Người dân xã Trà Tân, Đức Linh, Bình Thuận đang sống trong tâm trạng bất an, bởi voi rừng cứ đêm xuống là về phá hoa màu, phá nát nhà cửa. Chỉ trong tháng 4, có 5 ngôi nhà đổ nát vì voi tấn công. Xã Trà Tân phải sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân đang sinh sống, sản xuất ven sông La Ngà, nơi voi thường xuyên uy hiếp.
Xóm làng tan hoang
Khuya 18/4, người dân xóm 10 (thôn 5, xã Trà Tân) đang ngủ phải tháo chạy bởi voi về “thăm”. Anh Phạm Văn Thuận kể: “Đang ngủ thì nghe tiếng động lạ từ đám mía sau nhà. Nhìn ra, tôi điếng người thấy con voi “tỉnh bơ” nhổ mía nhai ngon lành. Vợ chồng con cái tôi tháo chạy cũng là lúc cả xóm gõ kẻng kêu nhau trốn voi”.
Sáng hôm sau, anh Thuận quay lại thì căn nhà anh chỉ còn nửa bức tường. Bây giờ, vợ con anh Thuận phải ở nhờ nhà bố mẹ vợ, cách nhà cũ của gần 15 cây số. Anh một mình ở lại coi vườn đất, nhưng chiều xuống cũng phải đi lánh nạn.
Sau Tết Canh Dần đến nay, voi đã về “quậy” 3 lần. Xóm 10 nằm ven sông La Ngà, là một khu sản xuất trù phú với những vườn tiêu, cà phê, bắp bạt ngàn. Nhưng phía bên kia sông là rừng phòng hộ thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Voi từ rừng bơi qua sông, rồi lên rẫy. Cứ mỗi đường voi đi qua là cả sào bắp, đậu bị giẫm nát.Những căn nhà tại xóm 10 bị voi rừng phá tan hoang.
Sau khi no nê, voi tấn công nhà dân. Nhà nào nằm trên đường voi đi qua là từ gạch ngói đến vật dụng trong nhà đều bị giẫm nát. Ông Trần Minh Tâm, một nạn nhân may mắn thoát chết trong lần voi về hồi giáp Tết cho biết căn nhà gạch của ông bị voi quật nát đến từng tấm tôn. Cũng may cả nhà tháo chạy kịp thời.
Theo người dân xã Trà Tân, dấu vết để lại hiện trường có thể khẳng định đây là con voi trưởng thành, đường kính chân gần 45cm, chiều cao khoảng 3m, ước chừng nặng khoảng 5 tấn. Con voi dữ đặc biệt thích gạo, muối, bắp. Nhà nào bị nó húc đổ tường là các loại thực phẩm này bị bới tung lên, ăn sạch.
Sống chung… với voi
Ông Nguyễn Văn Bái, xóm trưởng xóm 10 cho biết, chính quyền xã cùng ngành kiểm lâm Đồng Nai đã vào khu vực voi phá để khảo sát. Nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn tình trạng voi rừng băng sông về uy hiếp tính mạng người dân. Bây giờ cứ tầm 15 - 16h chiều mà có người còn trong xóm, chính quyền thôn phải đến tận nhà đưa họ đi lánh nạn.
Từ năm 2003 đến nay, cứ mùa khô là voi lại về quậy phá. Mỗi năm ít nhất trên dưới 10 căn nhà bị phá nát. Người dân trong khu vực khẳng định, đây là con voi bị sót lại trong đàn voi dữ của Tánh Linh đã bị chuyển về Buôn Đôn từ năm 2003. Tuy nhiên, ngành kiểm lâm thì chưa khẳng định đây là con voi lạc đàn.
Có thể do việc phá rừng, cộng với nắng nóng, rừng thiếu thức ăn nên mùa khô là voi về khu sản xuất tìm thức ăn. Các xã ven sông của huyện Đức Linh là nơi voi thường xuyên “ghé thăm”, bởi đây là nơi sản xuất trù phú, một cán bộ kiểm lâm huyện Đức Linh cho biết.
Điều đáng nói là 7 năm qua, năm nào người dân cũng khốn đốn, nhưng ngành chức năng của 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. “Năm nào cũng cảnh nhà cửa tan hoang, ruộng vườn bị tàn phá, tính mạng bị đe dọa thì làm sao chúng tôi yên tâm làm ăn. Rồi những ngày sắp tới, chúng tôi sẽ sống ra sao”, ông Trần Minh Tâm bức xúc.
Theo Báo Đất Việt
Bình luận