• Zalo

Số phận trớ trêu của cô bé 'chân voi'

Giáo dục Thứ Hai, 13/01/2014 11:48:00 +07:00Google News

Khi cuộc sống đã lấy đi của em những niềm vui, quyền lợi mà đáng ra em phải được hưởng, thì Son vẫn từng ngày miệt mài với ước vọng cháy bỏng của mình.

Khi cuộc sống đã lấy đi của em những niềm vui, quyền lợi mà đáng ra em phải được hưởng, thì Son vẫn từng ngày miệt mài với ước vọng cháy bỏng của mình.

Đó là câu chuyện cảm động của em Trần Thị Mỹ Son (SN 1995), trú tại thôn 10, xóm Cống, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Em đang từng ngày viết nên một bài ca đẹp về nghị lực sống của mình.
Son cùng ba mẹ trong căn nhà của mình. 

Bất hạnh lạnh lùng kéo đến

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về với xóm Cống, xã Thủy Phù trong cơn mưa bắt đầu nặng hạt. Con đường dẫn vào nhà em Trần Thị Mỹ Son trơn trợt và rất khó đi.

Ông Trần Như Dũng (56 tuổi), ba của Son lật đật chạy về nhà khi thấy có khách vào. Nhìn đôi chân to dị thường của đứa con gái, năm nay đã 19 tuổi, nước mắt ông Dũng rơm rớm. Những nỗi đau và khó khăn chồng chất cứ lần lượt hiện về.

Từ khi sinh ra, Son đã bị căn bệnh nguy hiểm và khác thường, đó là hai chân to đột biến, mềm đến nỗi rất khó khăn để đi lại. Ngày em chào đời, suýt chút nữa mẹ em là bà Huỳnh Thị Dưa đã mất mạng vì con bởi đôi chân của con gái đã làm chị băng huyết và mất máu nặng.

Do ngoại hình mất cân đối, đi lại khó khăn nên đi học được 6 tháng của năm mẫu giáo thì Son đành phải bỏ. Nhưng không nản chí, em nhờ ba mua sách vở về nhà, tự mày mò học.

Đôi chân ngày một to, mọc thêm những u lớn và ăn sâu vào ổ bụng của Trần Thị Mỹ Son. Chỉ cần chạm vào máu lại chảy không ngừng bởi những mạch máu dễ vỡ nằm ngay dưới da và không có một hệ thống cụ thể. Nhiều lần gia đình tưởng em không thể qua khỏi bởi mất máu quá nhiều.

Quyết tâm đi lại như một người bình thường nên nhiều lúc em liều mình tập đi. Chịu đau, mặc cho máu chảy, em tựa tay, lưng vào tường, tập đứng dậy và nhích từng bước. Nhưng rồi đôi chân quá khổ không đi theo ý muốn.
Hằng ngày, Son vẫn miệt mài đan những sản phẩm bằng len. 
Ông Trần Như Dũng ái ngại nhìn đứa con gái tật nguyền của mình rồi cho biết: "Gần 19 năm qua, dù gia cảnh còn rất khó khăn, tôi vẫn đưa con mình đi nhiều nơi khám chữa bệnh, thậm chí đã làm phẫu thuật nhưng vẫn không thuyên giảm được bệnh".

"Em sẽ nỗ lực dù chỉ còn một ngày được sống"

Không thể tự mình đi lại được, từ nhỏ em phải dựa hoàn toàn vào chiếc xe lăn, nhưng chưa một ngày nào Son tuyệt vọng với căn bệnh của mình.
Căn nhà tạm đã xuống cấp trầm trọng của gia đình Son. 
Hằng ngày, em vẫn giúp mẹ những việc trong gia đình và tự chăm sóc bản thân mình chứ không bao giờ để ba mẹ phiền lòng nhiều về mình. Em kể rằng nhiều lúc ráng tập đi, ngã xuống, máu chảy ra rất nhiều, chân đau buốt tận xương.

Nhưng em cắn răng chịu đựng, không nói cho ba mẹ biết. Bởi em hiểu ba đang gánh một gánh nặng quá lớn trên lưng, còn mẹ thì cũng đang lâm trọng bệnh. Tự mình động viên mình thật nhiều, em cố gắng mỉm cười, nói chuyện để ba mẹ cảm thấy yên tâm hơn, vững vàng hơn.


Và, không để mình trở thành một người vô ích, Trần Thị Mỹ Sơn đã miệt mài tập đan len. Hiện nay em đã thành thạo khá nhiều trong việc đan những sản phẩm nho nhỏ.

Son bảo rằng nhiều bác sĩ quan tâm, định hướng cho em cách tập luyện và chữa trị. Nhưng hiện nay, vấn đề nan giải nhất của em là tài chính. Căn bệnh em đang mang trong người có tên khoa học là Hemangioma (tức là u mạch máu).

Do đã 19 năm hình thành, di căn vào xương tủy, ổ bụng nên mọi phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật hay bằng xạ trị, thuốc cũng có tác dụng tương đối. Nhưng dẫu còn một hy vọng, em vẫn không chùn bước trên con đường giành giật lại sự sống của mình.


Dù chữa trị bằng phương pháp nào thì số tiền cũng rất lớn, lên đến vài trăm triệu, nhưng trong nhà em giờ không kiếm đâu ra một vật có giá trị đến một triệu đồng, huống gì đến vài trăm triệu.

Giấu đi những nỗi buồn, từng ngày Son vẫn cất tiếng hát, vẫn miệt mài làm việc. Cô rất yêu văn học và cũng tập tành làm thơ. Khi nỗi đau thể xác dâng lên cao độ, không thể làm ba mẹ phiền lòng, Son lại gửi lòng qua những câu thơ. Đó là những tiếng lòng vang vọng trong nỗi đau nhưng tràn đầy những khát vọng về một ngày mai tươi đẹp hơn, một tương lai không còn bệnh tật và nước mắt nữa.

Khi nói về những dự định sắp tới của mình, dù đã cố gắng cầm lòng, đôi mắt vẫn rưng rưng, Trần Thị Mỹ Son chia sẻ: "Em mong có một điều kỳ diệu nào đó giúp cho đôi chân của em bớt nặng nề, đau đớn, để có thể đi lại được bình thường, tự làm nuôi sống được bản thân và lo cho ba mẹ một phần nào đó. Bệnh tình của mẹ em ngày càng nặng, sức khỏe càng yếu đi.

Em nhìn mẹ và thật sự rất buồn, nhưng không biết làm sao. Đành cố gắng sống thật tốt, giữ gìn sức khỏe và chờ đợi những may mắn, dù biết rằng may mắn với em bây giờ là rất nhỏ nhoi. Nhưng em sẽ nỗ lực hết sức dù chỉ còn một ngày được sống".


» Nghị lực chàng trai da cam chỉ có 1 ngón tay cử động
» Rơi lệ nhìn cô gái không chân đi bằng bóng rổ
» Cuộc sống đời thường của nhà giáo không tay huyền thoại
Theo Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn