Ra đời cách đây 40 năm, ca khúc "Mùa xuân" được khán giả yêu thích vì giai điệu mượt mà, lời bài hát tràn đầy tình yêu và niềm tin vào chiến thắng.
Điều đó rồi xảy ra, em biết và em biết
Một mai anh chiến thắng trở về
Đôi vai gầy và đôi mắt sâu
Tóc đã điểm bạc, làn da nay rạm màu sương gió
Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa
….
Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu
Anh người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng bạc màu
Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím
Và anh nói tặng em mùa xuân
….
Theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Mùa xuân được viết khá nhanh vào năm 1983, chỉ 2 năm sau khi ông tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM. Thời điểm đó, Phạm Minh Tuấn đã được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng.
Về ca khúc Mùa xuân, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhớ lại: “Một ngày năm 1983, tôi tình cờ đọc được bản dịch bài thơ của một nữ tác giả Liên Xô đăng trên báo Văn nghệ TP.HCM do nhà thơ Bảo Định Giang làm Tổng biên tập. Bài thơ quá sâu sắc, tình cảm, đọc là thích luôn. Đó cũng là thời điểm đang diễn ra Hội nghị Thế giới vì hòa bình ở Tiệp Khắc (Hội nghị "Vì hòa bình và cuộc sống, chống chiến tranh hạt nhân" được tổ chức tháng 6/1983 tại Praha, quy tụ hơn 3.000 đại biểu từ 132 quốc gia - PVH). Dựa vào ý chính của bài thơ, tôi kết cấu lại, bổ sung thêm một số ý, phổ nhạc luôn và đặt tên bài hát là Mùa xuân”.
Bản gốc sáng tác của nhạc sĩ ghi ngày 26/6/1983.
Sáng tác xong, Phạm Minh Tuấn đưa cho ca sĩ Ngọc Tân khi đó đang cộng tác với đoàn Ca nhạc Bông Sen TP.HCM, và Ngọc Tân là người đầu tiên thể hiện bài hát. Ca khúc trữ tình này nhanh chóng lan truyền, được khán thính giả khắp nơi yêu thích.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhớ lại: “Thời điểm đó, tình hình biên giới phía Bắc vẫn chưa yên. Những chàng trai, cô gái tiếp tục lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Ít lâu sau, bỗng có một thông tin bất thành văn, từ Sở Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các Nhà văn hóa trong thành phố không được phổ biến bài hát. Chưa hết, một lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thuận Hải còn có lệnh miệng cấm phổ biến bài hát trong toàn tỉnh.
Tôi còn nhớ, năm 1984, có một nhạc sĩ quân đội nổi tiếng đã viết trên báo Quân đội Nhân dân, phê phán 3 bài hát ủy mị, “thương vay khóc mướn”, không tích cực, không có lợi cho tình hình khi đó: Em vẫn đợi anh về (Hoàng Hiệp - Lê Giang), Mimosa (Trần Kiết Tường) và Mùa xuân (Phạm Minh Tuấn)”.
Mặc dù gặp phải những “sóng gió”, bài hát vẫn có sức sống âm thầm và dần được phổ biến trở lại, như một lẽ tự nhiên. “Khi nhạc sĩ sáng tác xong rồi, bài hát không còn là của riêng nữa, mà là của công chúng. Khán giả đón nhận, thì bài hát có sức sống riêng”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự.
Tác giả bài thơ được phổ nhạc là ai?
Báo Công an Nhân dân năm 2005 cho biết: “Nhà thơ Nga Elena Superman, sinh năm 1908, mất năm 1942. Còn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn lại chào đời đúng vào năm tác giả bài thơ nổi tiếng này từ giã cõi đời. Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”. Thế là đã rõ, đây là nữ thi sĩ người Nga.
Tôi đã vào mạng Nga, tìm các nhà thơ nữ Liên Xô (Nga) viết về chiến tranh. Loại trừ, so sánh, rồi phương án được chọn là nữ nhà thơ Elena Mikhailovna Shirman, có năm sinh và năm mất trùng với thông tin trong bài báo đã nêu.
Nhưng, liệu có đúng là Elena Shirman đã sáng tác một bài thơ có tên là Mùa xuân, với nội dung giống như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn? Và, thật may mắn, cuối cùng tôi cũng tìm ra bài thơ Trở về (Возвращение) do Elena Shirman viết năm 1941, với nội dung khá giống với lời bài hát Mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Đến đây, có thể khẳng định, do tam sao thất bản thế nào đó, mà suốt gần 40 năm qua, chúng ta đã viết sai họ của nữ nhà thơ Xô Viết Elena Shirman thành Elena Superman.
Elena Shirman sinh ngày 3/2/1908 tại thành phố Rostov bên bờ sông Đông, tốt nghiệp trường viết văn Gorky (Moskva) năm 1941. Khi chiến tranh nổ ra, tháng 6/1941, Elena quay trở lại quê hương Rostov, làm biên tập viên cho tờ Pryamoi Navodkoi và Molot.
Tháng 7/1942, trong một chuyến công tác, Elena Shirman bị quân phát xít bắt. Có những thông tin sau này cho biết, quân Đức lột sạch quần áo, bắt cô phải tự đào huyệt cho chính mình. Nữ nhà thơ 34 tuổi bình thản đào huyệt, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh.
Năm 1964, cả đất nước Liên Xô xúc động khi cuốn nhật ký của Elena Shirman được tìm thấy và công bố. Năm 1969, các bài thơ trong cuốn nhật ký được in vào tuyển thơ Sống!
Bài thơ Trở về được sáng tác vào năm 1941, không đề ngày tháng, nhưng chắc chắn là sau tháng 7 - 8/1941, thời điểm mà Konstantin Simonov sáng tác Đợi anh về nổi tiếng khắp tiền tuyến cũng như hậu phương Liên Xô bởi lẽ Elena Shirman đã dùng 2 câu của Đợi anh về làm đề từ cho bài thơ của mình. Đó là 2 câu:
"Жди меня, и я вернусь, Только очень жди…" (tạm dịch: Hãy đợi anh, và anh sẽ quay về. Hãy đợi anh, em nhé).
Sau 80 năm kể từ khi Elena Shirman sáng tác Trở về, đến nay, bài thơ vẫn được người Nga nhớ và đọc vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.
Khi biết thông tin về việc xác mình chính xác họ tên của nữ nhà thơ Xô viết, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn rất vui. Ông viết tháng 7/2021: “Tôi đã đọc và rất cảm phục tình yêu nghệ thuật và trách nhiệm cao cho văn hóa nước nhà mà tôi được thụ hưởng từ các anh Phan Việt Hùng, Hồng Thanh Quang... Từ nay, tôi sẽ chỉnh đúng tên nhà thơ Elena Shirman và cũng tha thiết đề nghị các nhà đài, các nơi khai thác bài hát Mùa xuân cùng thực hiện việc chỉnh lý để nữ thi sĩ Hồng quân Liên Xô nở nụ cười nơi xa lắm cùng Mẹ - Con chúng tôi, Elena Shirman (1908-1942) và Phạm Minh Tuấn (sinh năm 1942)”.
Người nhạc sĩ đã tự coi mình như đứa con của nữ nhà thơ Xô viết, mà khi bà hy sinh, ông vừa mới chào đời.
Bình luận