"Đại hiệp" Kim Dung có 3 đời vợ, 4 người con, nhưng tất cả đều là con của nhà văn với người vợ hai Chu Mai. Mỗi người một tính cách, theo đuổi một ước mơ khác nhau, trong số đó, người có số phận bi đát nhất là cậu con trai cả Tra Truyền Hiệp.
Tra Truyền Hiệp – thần đồng yểu mệnh
Trong số 4 người con, Truyền Hiệp là người được cho là được thừa hưởng nhiều gen của Kim Dung nhất. Khi mới tập nói, Truyền Hiệp đã được cha dạy Tam Tự Kinh, 4 tuổi, anh đã thuộc lòng cuốn sách này, 6 tuổi, Truyền Hiệp có thể đọc vanh vách cuốn Tăng Quảng Hiền Văn. Mọi người thường gọi cậu cả của nhà họ Tra là thần đồng.
Cậu con trai của vua truyện kiếm hiệp cũng sớm nảy sinh niềm đam mê với tiểu thuyết. Năm 1965, khi tiểu thuyết Hiệp Khách Hành của cha được đăng tải trên tờ Minh Báo, Tra Truyền Hiệp ngồi ngoài hiên nhà, đọc tiểu thuyết dưới trời mưa, say mê đến mức cha mình đến bên cạnh, gọi liền mấy tiếng mà không biết.
Năm 14 tuổi, Tra Truyền Hiệp đã tập viết văn, anh nói rằng cuộc đời mỗi con người là bể khổ, anh khao khát được giải thoát. Nhiều người coi xong liền cho rằng Kim Dung nên dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực này ra khỏi đầu con.
Song Kim Dung lại cho rằng con trai mình nghĩ đúng, thậm chí còn khen ngợi con sớm biết suy nghĩ, có tư tưởng sâu sắc. Ông cho cậu con trai cưng đi du học ở New York với hy vọng Truyền Hiệp có thể kế thừa sự nghiệp của mình.
Nhưng ông không thể ngờ rằng, việc Tra Truyền Hiệp "sớm biết suy nghĩ" đã ảnh hưởng tiêu cực tới anh. Tháng 10/1976, khi đang là sinh viên năm nhất, Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự tử tại ký túc xá, khi đó, anh chưa đầy 20 tuổi.
Ban đầu, nhiều người nghĩ rằng, Tra Truyền Hiệp tự tử vì mâu thuẫn trong chuyện tình cảm. Ngày hôm đó, anh và cô bạn gái ở San Fransico cãi nhau qua điện thoại. Sau khi dập máy, vì quá tức giận, trong phút nông nổi nhất thời, Tra Truyền Hiệp đã tự kết liễu đời mình bằng việc treo cổ tự tử.
Tuy nhiên, vài ý kiến khác lại cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến cậu cả nhà Kim Dung tìm đến cái chết chính là do chuyện bất hòa giữa cha mẹ. Thời điểm đó, cuộc hôn nhân của Kim Dung – Chu Mai đang lục đục.
Cùng nhau vượt qua khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống, nhưng tính cách quá mạnh mẽ, lấy cương đối cương khiến vợ chồng Kim Dung – Chu Mai không thể tiếp tục hòa hợp.
Mâu thuẫn ngày càng lớn, cuộc hôn nhân bị đẩy đến bờ vực khi Kim Dung có tình nhân, đó là một cô gái trẻ chỉ đáng tuổi con gái – Lâm Lạc Di, cô phục vụ tại nhà hàng gần tòa soạn Minh Báo.
Khi biết tin cha mẹ ly hôn, Tra Truyền Hiệp nhiều lần viết thư, gọi điện khuyên ngăn cha nhưng vô ích. Chàng trai vốn sống cầu toàn và luôn có tư tưởng muốn ‘tự giải thoát’ cảm thấy buồn bã, chán nản.
Việc cãi nhau với người yêu vào ngày định mệnh ấy là giọt nước làm tràn ly, Tra Truyền Hiệp đã tự kết liễu đời mình, để lại nỗi đau vô hạn cho ông vua truyện kiếm hiệp.
Tháng 9/2004, lần đầu trải lòng về cái chết của con trai, Kim Dung nói: "Lúc nhận được tin dữ từ Mỹ, tôi đau đớn, nhưng ngày hôm đó vẫn phải lên tòa soạn làm việc, vừa viết bài, tôi vừa rơi nước mắt, lòng đau quặn thắt, vẫn cố kìm nén để viết".
Trước cú sốc này, vợ chồng Kim Dung – Chu Mai đều cho rằng đối phương có lỗi trước cái chết của con trai. Không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về cái chết của con, Kim Dung tự mình bay sang Mỹ mang hài cốt của con trai về Hong Kong để an táng. Gần 40 năm trôi qua, nhà văn vẫn đau đáu về cái chết tức tưởi của cậu con trai mà ông yêu quý nhất.
Tra Truyền Thích – bản sao ngoại hình của Kim Dung
Ba người con sau của ông là Tra Truyền Thích, Tra Truyền Thi và Tra Truyền Nột đều không có niềm đam mê và nối nghiệp văn chương của cha. Nếu Tra Truyền Hiệp giống cha về tính cách thì Tra Truyền Thích lại như một bản sao của Kim Dung về ngoại hình.
Không giống như anh trai, Tra Truyền Thích rất ít nghe lời, thành tích học tập của anh cũng không tốt. Khi được cha cho sang Anh du học, Truyền Thích đã chọn ngành kế toán, bởi anh cho rằng, kế toán chỉ phải làm việc với những con số và những công thức cố định, công việc này phù hợp với những người lười biếng.
Sau khi trờ về Hong Kong, Truyền Thích đảm nhận chức giám đốc nhà xuất bản. Đặc biệt có hứng thú với ẩm thực, anh nghiên cứu rất kỹ về những món ăn của Tứ Xuyên, Quảng Đông, Ấn Độ và Pháp, ngoài việc ở nhà xuất bản, Truyền Thích còn viết bình luận ẩm thực cho các tạp chí.
Năm 2001, Tra Truyền Thích quyết định tự mở nhà hàng tại Hong Kong. Tuy con trai không theo nghiệp văn chương như mình, song Kim Dung vẫn rất ủng hộ, ngày khai trương nhà hàng, ông đích thân tới dự để động viên tinh thần cho con.
Tra Truyền Thích chấm dứt kinh doanh vào năm 2003 và chuyển sang cố vấn ẩm thực cho các nhà hàng cao cấp ở Thâm Quyến.
Tra Truyền Thi – Tiểu Lung Nữ
Tiểu Lung Nữ là cái tên âu yếm mà Kim Dung dùng để gọi cô con gái thứ 3 của mình – Tra Truyền Thi. Ngày nhỏ, Truyền Thi là một cô bé dễ thương và thông minh.
Lúc 5 tuổi, Cách mạng Văn hóa lan sang Hong Kong, Kim Dung đưa vợ con sang Singapore, trải qua một cơn sốt rét, sau khi được bác sỹ tiêm một liều gentamicin, cô bé đáng thương Truyền Thi đã bị điếc. Cái tên Tiểu Lung Nữ ra đời từ đó (trong tiếng Trung Quốc, lung nghĩa là điếc).
Tháng 3/1982, Kim Dung cho con đi du học ở Toronto, Canada, kết quả học tập rất tốt, sau khi trở về Hong Kong, Truyền Thi làm việc tại bộ phận quảng cáo ở Minh Báo.
Tháng 5/1988, cô kết hôn với Triệu Quốc An – tổng biên tập Minh Báo vãn báo, tuy nhiên, Kim Dung không hài lòng về cuộc hôn nhân này bởi Triệu Quốc An đã từng có một đời vợ.
Hiện tại, "Tiểu Lung Nữ" Tra Truyền Thi đã là mẹ của ba đứa con, đồng thời là giám đốc sản xuất của một kênh truyền hình về kinh tế.
Cô con gái út Tra Truyền Nột cũng không theo nghiệp văn chương như cha, song chính cô là nguồn cảm hứng cho vua truyện kiếm hiệp Kim Dung tạo nên một trong những nhân vật nữ nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết của mình.
Bình luận