(VTC News) - Các chỉ tiêu trong báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế có nhiều chênh lệch, thiếu chính xác nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định vẫn có thể chấp nhận được.
Trong buổi thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, một trong các vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chính là sự chênh lệch của các chỉ tiêu, số liệu.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích vấn đề này kỹ lưỡng nhất. Ông Hiến băn khoăn về rất nhiều chỉ tiêu, từ chỉ tiêu lao động qua đào tạo, số giường bệnh, về chỉ tiêu giảm nghèo, các chỉ tiêu về tỉ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới…đến nợ xấu, nợ công, GDP,.. Các chỉ tiêu này đều có nhiều con số không đồng nhất.
Bộ trưởng Vinh cho biết số liệu có thể chưa chính xác nhưng chấp nhận được |
Theo ông Vinh, số liệu mà các đại biểu phát biểu sáng 30/5 không chỉ có số liệu thống kê, mà trong báo cáo tình hình đất nước, rất nhiều số liệu được công bố. Có thể nói nguồn số liệu có rất nhiều.
Nguồn số liệu khác nhau là do nhiều cơ quan điều tra công bố.
Theo ông Vinh, có thể khẳng định về cơ bản, các số liệu đánh giá so sánh có hệ thống, có thể chưa chính xác nhưng độ tin cậy về cơ bản có thể chấp nhận được.
Bộ trưởng thừa nhận các số liệu có độ chính xác chưa cao. Nhiều thống kê được các ngành gửi lên, không phải do Tổng cục thống kê đánh giá nên độ chính xác thấp. Nó phụ thuộc ý chí chủ quan, cơ sở nhận định, đánh giá, kê khai.
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng khẳng định có số liệu khép kín, không có căn cứ bình luận xem nó chính xác hay không chính xác. Cơ quan tổng hợp như Bộ Kế hoạch và đầu tư rất vất vả khi xử lý các số liệu này.
Về con số thống kê, theo ông Vinh có thể khẳng định Tổng cục thống kê là cơ quan quan trọng. Các chỉ tiêu thống kê được tính theo đúng theo phương pháp, quy định thông lệ quốc tế. Hàng năm, các phương pháp này được các tổ chức quốc tế như cơ quan thống kê Liên hiệp quốc, IMF, ILO sang kiểm tra, đánh giá để so sánh đối chiếu với quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có chỉ tiêu chưa theo quốc tế.
Ông Vinh cho biết, hệ thống chỉ tiêu quốc có 350 chỉ tiêu, trong đó 146 chỉ tiêu do Tổng cục thống kê điều tra, khảo sát, còn lại do bộ ngành khác thực hiện, chiếm hơn 60%.
Hiện nay vẫn có sự chênh lệch về con số giữa Trung ương - địa phương, giữa Bộ - ngành - Tổng cục Thống kê. Trong 2 năm trở lại đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cố gắng thu hẹp chênh lệch, từng bước để có bộ hệ thống tính toán khớp nhau.
Còn về GDP, ông Vinh cho biết, Bộ cho biết đã có cuộc họp với tất cả tỉnh thành, kiên quyết báo cáo Thủ tướng từ 2015, sẽ giao Tổng cục công bố GDP Nhà nước và các địa phương. Hiện nay các hệ thống số liệu này chưa khớp. Đây nằm trong kế hoạch 5 năm nên phải từng bước thực hiện, không thể làm ngay.
|
Ví dụ, năng suất lao động tổng hợp, ICOR, GDP xanh,… là những chỉ tiêu khó tính toán, cần có hệ thống theo dõi khoa học. Hiện tại đang thiết lập hệ thống đánh giá.
Ông Vinh tiết lộ từ năm 2015, sẽ bổ sung hàng loạt chỉ tiêu mang tính đánh giá chất lượng của nền kinh tế. Kế hoạch giai đoạn 5 năm 2016- 2020, sẽ có bộ chỉ tiêu mới.
Trước đó, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền có cũng lý giải về chênh lệch của các số liệu thống kê.
Với chênh lệch của số liệu việc làm mới giữa ngành thống kê và lao động, Bộ trưởng Lao cho biết tình trạng này là do cách tính giữa 2 đơn vị khác nhau. Ngành thống kê chỉ tính số người có việc làm mới. Trong khi đó, ngành lao động tính con số này bằng cách lấy số việc làm mới trừ đi lượng người nghỉ hưu nên tạo ra những con số khác biệt.
Về chênh lệch giữa những chỉ số liên quan đến dạy nghề, bà Chuyền giảm thích đó là vì ngành thống kê nghiên cứu theo phương pháp chọn mẫu, chọn lao động có chứng chỉ. Trong khi đó, ngành lao động lấy số liệu tại các trung tâm dạy nghề, khu công nghiệp.
Bảo Linh
Bình luận