Tại hội nghị phát triển giáo dục đại học ngoài công lập gần đây, TS Lê Trường Tùng đã công bố các số liệu nghiên cứu khiến nhiều người phải giật mình.
Số liệu thống kê của Chương trình Nghiên cứu về Giáo dục đại học tư PROPHE cho biết tỷ lệ sinh viên ngoài công lập (NCL) tại các khu vực và toàn thế giới như sau (năm 2010).
Tỷ lệ sinh viên NCL trung bình toàn cầu là 31.3%. Hai khu vực thấp là châu Phi (14.6%) và châu Âu (16.0%), cao nhất là châu Mỹ Latinh (48.6%), khu vực trung bình là Mỹ (26.1%) và châu Á (36.4).
Tỷ lệ sinh viên NCL thấp tập trung ở 2 nơi: khu vực kém phát triển (châu Phi), hoặc khu vực các nước giàu có nơi nhà nước chu cấp giáo dục đại học như dịch vụ công ích.
Nếu tính riêng trong khu vực châu Á, tỷ lệ sinh viên NCL của Việt Nam cũng thấp so với nhiều nước khác, ở mức thấp tương đương với Thái lan – là nước đã từng có tỷ lệ sinh viên trường tư tới 20% vào những năm 90%, giờ còn khoảng trên 10% do việc mở rộng hệ thống trường công.
Tất nhiên không chỉ ở châu Âu, một số nước khác có tỷ trọng NCL cũng không cao, chẳng hạn Australia, với chính sách tập trung phát triển trường công, tỷ lệ sinh viên đại học tư ở Australia là 3.5%.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên đại học NCL năm học 2015-2016 là 13.3%, và 15 năm trước (1999-2000) con số này cũng là 13.3%.
Trong 15 năm qua, năm có tỷ lệ cao nhất là 13.4% (2006-2007), và thấp nhất là 10.6% (2013-2014).
Như vậy có thể thấy so với bức tranh chung toàn cầu, tỷ trọng giáo dục đại học NCL ở Việt Nam là không cao. Và dù Việt Nam có chủ trương phát triển đại học NCL, 15 năm qua không có thay đổi gì về tỷ trọng.
Từ 2006 đến nay, chính sách với giáo dục đại học NCL ngày dường như ngày càng siết chặt.
Nguyên nhân chính có lẽ là lo lắng của xã hội về chất lượng giáo dục đại học, sự bất an của xã hội khi báo chí truyền tải về sự bất ổn trong tuyển sinh và trong quản trị của một loạt các trường như ĐH Hà Hoa Tiên, Chu Văn An, Hữu Nghị, Hùng Vương, ĐH Tân Tạo, Hoa Sen, Phan Châu Trinh…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng quá nhanh khối đại học NCL dẫn tới việc chất lượng sinh viên các trường này không cao.
Diễn đàn Quốc hội nêu vấn đề ai chịu trách nhiệm về việc các trường NCL mọc lên như nấm sau mưa mà bỏ qua việc các trường công là một loại siêu nấm.
Trong 15 năm qua, có 43 trường NCL được thành lập, và cùng thời gian 111 trường công lập ra đời. Như vậy, tức là cứ một trường đại học tư thành lập thì có 2,6 trường đại học công ra đời.
Ngoài ra, từ đưa ra mục tiêu 30-40% sinh viên đại học NCL trong các năm 2000, 2005, 2007 - đến việc bỏ qua con số này trong quy hoạch 2013; từ định hướng tăng tỷ lệ NCL trong Nghị quyết Đảng 2013, trong dự thảo Báo cáo Chính trị 2015 đến chỉ còn “phát triển hợp lý” trong phiên bản chính thức của Báo cáo Chính trị 2016.
Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư dần bị thu hẹp lại và yêu cầu đầu tư ngày càng cao đã khiến cho loại hình này không phát triển như mục tiêu ban đầu.
Đến năm học 2015-2016, hệ thống đại học NCL vẫn còn giữ được 13.4% như 15 năm trước (năm học 1999-2000) mà không giảm sút là một cố gắng lớn của các trường đại học NCL.
Bình luận