Ở góc độ cá nhân, tuy việc sở hữu bất động sản ở nước ngoài không còn là chuyện hiếm nhưng vướng mắc phổ biến mà người mua gặp phải hiện vẫn liên quan đến khâu chuyển tiền.
Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa nhận được hồ sơ đầu tư ra nước ngoài của ông Phạm Đình Nguyên. Điều này có thể khiến ông gặp khó nếu muốn thanh toán vụ đấu giá thị trấn Buford (Mỹ) từ nguồn tiền Việt Nam.
Doanh nhân Việt có thể kiếm lợi từ việc chỉnh trang và bán lại thị trấn. Ảnh: Jezebels |
Trao đổi với báo chí sau khi dành phần thắng trong cuộc đấu giá thị trấn Buford, Giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) cho biết mặc dù chưa có ý tưởng kinh doanh cụ thể nào với tài sản này nhưng ông dự kiến sẽ sử dụng thị trấn này như một “bàn đạp” để phát triển kinh doanh tại Mỹ.
>> Ông Phạm Đình Nguyên: Chưa biết mua Buford làm gì
Cũng theo ông Nguyên, với số tiền 900.000 USD phải trả để sở hữu thị trấn Buford, ông mới đặt cọc 100.000 USD bằng tiền hỗ trợ của người thân tại Mỹ. Số còn lại sẽ trả trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên ông Nguyên sẽ thanh toán nốt 800.000 USD bằng nguồn nào đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm, bởi chuyển tiền từ Việt Nam đi hiện vẫn rất khó khăn kể cả trong trường hợp ông Nguyên đầu tư tài sản này với tư cách cá nhân hay doanh nghiệp.
Theo luật sư Chu Khang (Văn phòng Luật sư Hà Nội) trong trường hợp mua đất phục vụ kinh doanh cho doanh nghiệp, Công ty IDS của ông Nguyên sẽ phải lập dự án, được Bộ Kế hoạch & Đầu tư phê duyệt trước khi Ngân hàng Nhà nước cấp phép chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện dự án. Việc chuyển tiền này cũng phải được thông qua ngân hàng để đảm bảo các quy định của luật Việt Nam cũng như Mỹ.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ nào của doanh nghiệp liên quan đến việc đầu tư, mua thị trấn Buford tại Mỹ.
Nguồn tin này cũng cho biết trên thực tế, do cuộc đấu giá diễn ra bất ngờ, số tiền đặt cọc do người nhà ông Nguyên nộp ngay tại Mỹ nên sau khi giành được quyền mua thị trấn, doanh nghiệp có thể mang giấy tờ về Việt Nam để làm thủ tục đầu tư thì vẫn không trái luật.
“Tuy vậy, nếu thời gian nộp tiền chỉ trong vòng 30 ngày, trong khi dự án còn chưa được xây dựng thì khâu thẩm định, cấp phép sẽ rất khó khăn”, chuyên gia này nói thêm.
Ở góc độ cá nhân, tuy việc sở hữu bất động sản ở nước ngoài không còn là chuyện hiếm nhưng vướng mắc phổ biến mà người mua gặp phải hiện vẫn liên quan đến khâu chuyển tiền.
Theo luật sư Chu Khang, hiện pháp luật Việt Nam mới chỉ cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, trợ cấp cho thân nhân, thừa kế… Ngay cả trong những trường hợp này, mức tiền được chuyển tương đối hạn chế và cần có đầy đủ giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng (giấy báo học phí, viện phí…) và hiện chưa có cơ chế chuyển tiền đầu tư bất động sản.
Với các mục đích chuyển tiền khác, một con đường khác thường được nhắc tới là kênh phi chính thức (chuyển tiền “chui” với mức phí 3-4% giá trị). Tuy nhiên, đa phần các ý kiến đều cho rằng khả năng này rất thấp bởi cơ quan chức năng tại Mỹ giám sát rất chặt nguồn gốc tiền đầu tư vào bất động sản để tránh rửa tiền.
“Trong trường hợp cá nhân ông Nguyên sử dụng tiền của người nhà hoặc có sẵn tiền tại nước ngoài thì việc mua bán có thể thực hiện được mà không cần quan tâm tới việc chuyển tiền”, chuyên gia của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết.
Mặc dù còn nhiều rắc rồi về mặt thủ tục nhưng theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư vào bất động sản tại các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ hiện là một lựa chọn “không tồi” trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Theo Tiến sĩ Alan Phạm - Kinh tế trưởng của VinaCapital, hiện nay tại Mỹ, tình trạng các ngân hàng đua phát mãi tài sản của người cầm cố để thu hồi vốn khá phổ biến, khiến giá bất động sản về mức hấp dẫn. “Nhiều căn biệt thự trước đây mua giá 2 - 3 triệu USD, nay họ chỉ bán khoảng một triệu USD” - ông lấy ví dụ.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng nhà đầu tư có “tiền thật” thì hãy tham gia vào thị trường này do các điều kiện vay mượn hiện rất ngặt nghèo và không được khuyến khích. Riêng với trường hợp ông Phạm Đình Nguyên, Tiến sĩ Alan Phạm cho rằng, đây là “một bước đi khôn ngoan” bởi sở hữu một đơn vị hành chính, dù nhỏ, cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển kinh doanh, hoặc sớm kiếm lời nếu muốn bán lại trong một cuộc đấu giá tương tự.
Chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Phạm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc đầu tư bất động sản tại Mỹ đang là lựa chọn được nhiều cá nhân cũng như doanh nghiệp Việt Nam cân nhắc.
Theo ông Thành thì mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục nhưng hành lang pháp lý cho việc đầu tư ra nước ngoài hiện đã cởi mở, thông thoáng hơn.
“Vừa rồi tôi biết có ngân hàng đã chuyển hơn 20 triệu USD cho một doanh nghiệp thực hiện đầu tư bất động sản tại California (Mỹ). Còn với tư cách cá nhân thì cũng đã có hàng chục, hàng trăm người”, chuyên gia này cho biết.
Theo VnExpress
Bình luận