• Zalo

Sở GD&ĐT Thái Bình nói gì về vụ nữ sinh tự tử?

Giáo dụcThứ Sáu, 13/01/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- “Biện pháp chép phạt như thế tôi cũng chưa gặp bao giờ. Làm thế là không đúng. Có nhiều biện pháp giáo dục hiệu quả hơn”.

(VTC News)- “Biện pháp chép phạt như thế tôi cũng chưa gặp bao giờ. Làm thế là không đúng. Có nhiều biện pháp giáo dục hiệu quả hơn”. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó phòng GD trung học tỉnh Thái Bình chia sẻ.





Biện pháp giáo dục phản khoa học

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chiều 12/1, PV VTC News đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Bình để ghi nhận ý kiến xung quanh sự việc nữ sinh tự tử đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua tại tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó phòng GD Trung học tỉnh Thái Bình xác nhận, ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà trường, trong chiều 7/1, ông Hiếu cùng một số cán bộ của Sở đã xuống trực tiếp nhà trường để ghi nhận tình hình.

Tuy nhiên, khi xuống làm việc tại nhà trường, ông Hiếu ghi nhận thông tin qua bản tường trình của thầy Phiếm (hiệu trưởng trường THPT Đông Quan) còn học sinh đã được nghỉ học từ sáng.
 

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhà trường cũng cho rằng biện pháp chép phạt của cô H. là phản giáo dục (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Sau khi ghi nhận sự việc tại trường, ông Hiếu đã trực tiếp đến bệnh viện để thăm hỏi sức khoẻ nữ sinh K.O. Khi biết được trường hợp của K.O không có cơ hội có thể cứu chữa và chứng kiến mẹ của nữ sinh cứ khóc nấc lên từng hồi vì thương con, bản thân các cán bộ Sở GD&ĐT cũng không thể kìm lòng.

Qua sự việc trên, ông Hiếu cũng rút ra bài học: “Trong buổi tổng kết học kỳ I sắp tới, lãnh đạo Sở sẽ nhắc nhở các đơn vị làm tốt hơn nữa công tác quản lý thầy cô giáo về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là giáo viên trẻ”.

Bản thân là một người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, ông Hiếu bình luận về biện pháp dạy học của cô Huyền: “Biện pháp chép phạt như thế (như cách cô Huyền bắt học sinh làm-pv), tôi cũng chưa gặp bao giờ. Làm thế là không đúng. Có nhiều biện pháp giáo dục hiệu quả hơn”.

Trong trường hợp này, ông Hiếu cũng đưa ra gợi ý đối với giáo viên cần phải bình tĩnh để tìm hiểu kỹ nguyên nhân của sự việc sau đó để có biện pháp kèm cặp và giáo dục học sinh. “Cũng có thể vì một lý do nào đó mà học sinh không thể hoàn thành được bài tập như mong muốn thì giáo viên cần phải tìm hiểu nguyên nhân”.

Ngoài ra, theo ông Hiếu nếu đúng như lời học sinh tường trình với những lời lẽ phản giáo dục, cách xưng hô giữa cô với trò “tôi-cô” là không thể chấp nhận được. Theo bản tường trình của học sinh, mối quan hệ giữa cô và trò là không hề bình thường.

Trước đó, phóng viên cũng thắc mắc tại sao việc bắt học sinh bị điểm kém viết chép phạt nhiều lần diễn ra từ đầu năm học nhưng Ban giám hiệu nhà trường không nắm được tình hình?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Vinh, quyền Phó hiệu trưởng trường THPT Đông Quan chia sẻ “Hàng tháng trường cũng tổ chức gặp gỡ các em lớp trưởng, bí thư lớp. Tuy nhiên các em không phản ánh với Ban giám hiệu về hình thức chép phạt này”. Bản thân lãnh đạo nhà trường khi biết sự việc cũng cho rằng đây là một phương pháp dạy học phản khoa học và không sư phạm.

Biện pháp xử phạt cao nhất là chấm dứt hợp đồng

Nói về biện pháp xử lý sự việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng chia sẻ, Sở chỉ quản lý trường THPT Đông Quan dưới góc độ chuyên môn. Nếu xác định cô H. có những sai phạm trong sự việc này, mức xử lý cao nhất là yêu cầu nhà trường chấm dứt hợp đồng với cô giáo. Cô giáo đó cũng sẽ không được dạy tại bất cứ một trường học nào tại Thái Bình.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng chia sẻ một thực tế là học sinh các trường ngoài công lập thường có học lực thuộc mức trung bình yếu, thường mải chơi, không chăm học. Trong khi đó, sỹ số của các lớp lại rất đông khiến các giáo viên giảng dạy tại các trường này thường phải chịu nhiều áp lực trong công tác giảng dạy và quản lý lớp.
Ngôi trường THPT Đông Quan sau cái chết đau xót của nữ sinh lớp 12 

Thực tế cho thấy, giáo viên dạy tại các trường tư thục thường là những giáo viên trẻ, ít có kinh nghiệm đứng lớp. Tuy  nhiên, công việc quản lý học sinh tại các trường tư thục lại vất vả hơn nhiều so với các trường công lập. “Nếu thuê những giáo viên già, có nhiều kinh nghiệm thì nhà trường lại không đủ kinh phí để trả lương có giáo viên vì họ có bậc lương rất cao trước đó”. Ông Hiếu chia sẻ nguyên nhân các trường tư thục thường thiếu các giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm.

Sau khi xảy ra sực việc, lãnh đạo Sở đã ngay lập tức yêu cầu nhà trường ổn định tình hình học tập và giảng dạy của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT sẽ thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên.

Phạm Thịnh



Bình luận
vtcnews.vn