Bà Bùi Thị Hồng (Long Biên, Hà Nội) đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nói bản thân không nghĩ bị nhiễm nCoV. Bà đau người, thỉnh thoảng ho, đi khám mới phát hiện mắc bệnh. Do bà Hồng tuổi cao kèm bệnh lý nền nên bác sĩ cho nhập viện nằm điều trị và theo dõi.
Thống kê của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho thấy, trung bình một tháng, bệnh viện chỉ tiếp nhận 10-15 ca dương tính. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, khoa Cấp cứu tiếp nhận 68 ca, riêng ngày 11/4 lên đến 18 trường hợp. Trong đó, tỷ lệ nhập viện điều trị là khoảng 25% (17/68 bệnh nhân).
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, người nhập viện đều có các triệu chứng hô hấp như cảm giác khó thở, thở nhanh kèm theo đó là bệnh lý nền nặng. Trường hợp có yếu tố nguy cơ cao nhập viện để theo dõi sát sao các triệu chứng.
Ths.BS Nguyễn Hữu Tiến, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng thông tin, sau đợt COVID-19 năm ngoái, triệu chứng mắc bệnh nhẹ hơn, nhưng mức độ lây lan của virus nhanh hơn.
Đa số mọi người vào viện với các biểu hiện viêm đường hấp trên, gần giống với cúm và các loại sốt virus khác như hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho khan, sốt, đau mỏi người. Một số trường hợp vào khám với triệu chứng ho khan dai dẳng 5-7 ngày, vì không đỡ nên họ đi khám, test nhanh sàng lọc nhận kết quả dương tính.
Các bác sĩ nêu thực trạng nhiều người có tâm lý chủ quan không tiêm phòng vaccine, không đeo khẩu trang với người nghi nhiễm hoặc nơi công cộng, đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 và ca nhập viện tăng trong thời gian qua.
BSCKI Nguyễn Văn Học - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội ) cũng cho hay, các bệnh nhân mắc COVID-19 tới viện khám sàng lọc có kết quả dương tính đa phần có triệu chứng gần giống cúm và sốt virus khác như: viêm long đường hô hấp trên, hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho khan, sốt, đau mỏi người...
Triệu chứng mắc COVID-19 thường nhẹ hơn, xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Bệnh sẽ nặng ở nhóm đối tượng nguy cơ cao. Trong khi đó, người mắc cúm A hoặc cúm B tới viện sẽ có triệu chứng điển hình như sốt cao, ho nhiều, đau rát họng, không có biểu hiện khó thở và tức ngực. Tuy nhiên, để biết chính xác bệnh nhân nhiễm virus gì thì vẫn cần phải thông qua test sàng lọc.
Trả lời báo chí chiều 13/4, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, đa phần các trường hợp mắc COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ. Virus SARS-CoV-2 tiếp tục tồn tại, do đó để không ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và cuộc sống, chúng ta phải tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, là người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, kể cả lực lượng y tế tuyến đầu. Mục tiêu trong giai đoạn tới là giảm tử vong, không gây quá tải cho hệ thống y tế.
Người dân cần tiêm chủng đúng, đủ liều vaccine COVID-19. Với đối tượng tiêm mũi 1, 2, 3, 4 thì tiếp tục theo dõi. Trong thời gian tới khi mà các khuyến cáo mới nhất của WHO, tiêm chủng chỉ tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, thì mỗi quốc gia phải có đánh giá đầy đủ trên các đối tượng đã tiêm chủng, và ở mỗi đợt dịch.
Số ca COVID-19 nhập viện gia tăng tại Hà Nội.
Bình luận