Tại nước ta, sau một thời gian lắng xuống, đến nay dịch COVID-19 bắt đầu ghi nhận các biến chủng mới. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác.
Gia đình chị N.T.H (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sau khi tái nhiễm COVID-19. Chị H. chia sẻ, lần tái nhiễm này cách thời gian mắc trước đó là 5 tháng. “Bé gái 7 tháng nhà tôi bị sốt, đợt này đang có một số dịch như cúm A, sốt xuất huyết nên tôi cho vào bệnh viện để làm các xét nghiệm thì kết quả con bị tái nhiễm COVID-19. Sau đó, vợ chồng tôi xét nghiệm cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2”- chị H nói.
Chị H. cũng chia sẻ, ở lần mắc COVID-19 này, các biểu hiện của chị cũng nhẹ hơn so với lần trước nên chị nghĩ mình bị mắc bệnh cúm thông thường. Tuy nhiên, bé gái 7 tháng thì có biểu hiện nặng hơn như sốt cao liên tục trong 3 ngày, ho, chảy nước mũi nhiều khiến chị cũng vô cùng lo lắng.
Sốt cao, kèm theo mệt mỏi, rét run, anh N.C.Đ (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đinh ninh mình bị sốt xuất huyết vì đang vào mùa nhưng kết quả xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện anh dương tính với SARS-CoV-2. “Tôi mới khỏi COVID-19 được khoảng 1 tháng rưỡi, nhận kết quả tái nhiễm COVID-19, tôi cũng không tin là mình mắc trở lại”- anh Đ chia sẻ.
Lần tái mắc COVID-19 anh có triệu chứng nặng hơn, ho, sốt kéo dài. Khoảng 6 ngày sau anh có kết quả âm tính nhưng cơ thể vẫn luôn trong tình trạng mệt mỏi.
Các chuyên gia khuyến cáo, người từng mắc COVID-19 có thể tái nhiễm, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Người bệnh tái nhiễm vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại.
Cụ thể, sau khi tiêm phòng hoặc mắc COVID-19, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể, nhưng do lượng kháng thể này sẽ giảm dần sau các mốc thời gian một tháng, 2 tháng, 3 tháng và đặc biệt sẽ giảm mạnh sau 3 tháng và xuống thấp sau 6 tháng. Về lý thuyết, trong 3 tháng đầu tiên, cơ thể sẽ được bảo vệ tốt hơn nhưng điều đó lại không đúng với chủng Omicron hiện nay.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, giai đoạn gần đây số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 đến viện thăm khám tăng gấp nhiều lần so với trước, cao điểm có ngày ghi nhận hơn 20 bệnh nhân.
Các ca mắc ở mọi đối tượng từ trẻ em đến người già. Đa phần các bệnh nhân đều đã tiêm vaccine COVID-19 từ 2 mũi trở lên. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp dù triệu chứng COVID-19 tương đối nhẹ nhưng bệnh nền lại khởi phát nặng đến mức phải nhập viện.
“Tại Bệnh viện Thanh Nhàn thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 lần 2, thậm chí là lần 3”- BS Hường cho biết.
BS Hường khuyến cáo, ttrong bối cảnh hiện nay, người dân cần đeo khẩu trang, Đặc biệt, những người già, người có bệnh nền…càng cần phải chú ý bảo vệ sức khỏe.
Video: 80% bệnh nhân khảo sát ở bệnh viện nhiễm BA.5
Các biến thể mới liên tục xuất hiện
Trong nước ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, nhất là các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế. Riêng TP HCM có đến 80% bệnh nhân được giải trình tự gen nhiễm biến thể này.
Theo Bộ Y tế, tại TP.HCM, nếu ngày 12/7, thành phố có 26 ca điều trị tại bệnh viện, 15 ca nặng điều trị ở tầng 3 thì đến ngày 8/8 con số này tăng lần lượt là 163 ca điều trị ở bệnh viện, 38 ca nặng điều trị ở tầng 3. Tương ứng với số ca mắc COVID-19 mới tăng, số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng. Trung bình 35 ca nặng/ngày trong một tuần qua. Hiện có 7 ca thở máy, không có ca nào chạy ECMO.
Bộ Y tế lưu ý các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại. Trong đó, đặc biệt tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 và đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bộ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Bình luận