Năm 2016, giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” đã nhận được 279 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thuộc 6 lĩnh vực (Khoa học Tự nhiên; Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; Khoa học Y Dược; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Xã hội; Khoa học Nhân văn) tham gia xét giải.
Đây là những đề tài xuất sắc được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên 74 trường đại học, học viện trong cả nước.
Sau vòng sơ khảo, 52/279 đề tài đã được lựa chọn vào vòng chung khảo. Đây là những đề tài được đánh giá có tính mới, tính sáng tạo, có nội dung phong phú và có khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Trong đó một số đề tài đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề đang được xã hội hết sức quan tâm.
Nổi bật trong các đề tài được trao giải Nhất là công trình “Nghiên cứu tổng hợp các hạt Nano từ tính làm chất dẫn mang thuốc tới mục tiêu và nhả thuốc “curcumin” trong điều trị ung thư” của nhóm sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các em sinh viên, cũng như mỗi nhà trường đã làm được trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng cũng cho rằng, số lượng công trình nghiên cứu tham dự giải thưởng còn khiêm tốn, công trình chất lượng cao chưa nhiều, một số nhà trường chưa thực sự quan tâm đến giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, công tác truyền thông về giải thưởng còn hạn chế.
Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cần đổi mới công tác tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng giải thưởng, cần có sự kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho giải cũng như có kinh phí tiếp tục đầu tư cho các đề tài đạt giải cao, để có thể có được sản phẩm nghiên cứu ứng dụng trong thực tế.
“Mỗi nhà trường, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các tổ chức đoàn thể quan tâm hơn nữa đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nói riêng và sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực nói chung. Tạo mọi điều kiện cho các em sinh viên nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Kết quả, giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016” đã tìm ra được 8 đề tài xuất sắc để trao giải Nhất; 38 đề tài đoạt giải Nhì; 66 đề tài đoạt giải Ba và 85 đề tài đoạt giải Khuyến khích.
Trong khuôn khổ lễ trao giải, Bộ GD&ĐT đã tổ chức trưng bày triển lãm giới thiệu các đề tài nghiên cứu được chọn vào vòng chung khảo.
Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên đến từ các trường được giao lưu, học hỏi, khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
8 đề tài đoạt giải Nhất bao gồm:
1. Đề tài ”Phát hiện, nhận biết mặt người và ứng dụng video thông minh trên thiết bị di động” của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
2. Đề tài “Nghiên cứu tổng hợp các hạt Nano từ tính làm chất dẫn mang thuốc tới mục tiêu và nhả thuốc “curcumin” trong điều trị ung thư” của nhóm sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
3. Đề tài “Phân lập và sản xuất chế phẩm nấm Paecilomyces sp phòng trừ một số loài sâu hại cây trồng” của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM.
4. Đề tài “Nghiên cứu nhiệt độ da bàn chân bệnh nhân đái tháo đường bằng nhiệt kế hồng ngoại” của nhóm sinh viên Học viện Quân Y.
5. Đề tài “Luật quốc tế về hoạt động quân sự trên biển và thực trạng ở biển Đông” của nhóm sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM.
6. Đề tài “Khảo sát văn bản Bạch bí của Miên Thẩm - luận về Miên Thẩm và loại hình tác giả hoàng tộc triều Nguyễn” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
7. Đề tài “Nghiên cứu đất trộn Bentonite trong chống thấm bãi rác thải ở Việt Nam” của nhóm sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải.
8. Đề tài “Nghiên cứu về cây thuốc của người dân bản địa” của sinh viên đến từ Trường Đại học Tây Bắc.
Bình luận