• Zalo

Sinh viên Trung Quốc vung tiền chơi siêu xe ở Mỹ

Kinh tếThứ Bảy, 10/12/2016 22:12:00 +07:00Google News

Khi Michael Kwan từ Hong Kong tới Mỹ vào năm 2012 để theo học đại học, cha mẹ đã chu cấp cho anh với một khoản ngân sách hào phóng để chi tiêu.

Khoản tiền quá nhiều so với nhu cầu sinh hoạt phí ở khu học xá Midwestern thuộc vùng ngoại ô của Đại học Illinois tại Urbana–Champaign, cho nên Kwan dùng số tiền không tiêu hết để mua một chiếc Cadillac Escalade với giá 80 ngàn đô la.

Anh nói anh muốn "có một chiếc xe hơi thật to và thích hợp với văn hoá Mỹ". Thế nhưng Kwan nhanh chóng nhận ra mình nằm trong nhóm bí mật gồm khoảng chục gương mặt sở hữu các xe hơi sang trọng trong khu học xá; tất cả đều từ Trung Hoa đại lục tới, và họ đều lái những chiếc xe thể thao nhỏ hơn nhiều, như Nissan GT-R hay BMW M5.

Sinh viên Trung Quốc vung tiền chơi xe sang ở Mỹ

Dylan Gao, Shawn Mao, Nicholas Lam và Victor Yang bên cạnh những chiếc xe của mình: BMW M4 đời 2015, Nissan GTR đời 2015, Mercedes SLS đời 2012, và chiếc BMW M3 đời 2011. Ảnh TOM STARKWEATHER

Vào cuối năm thứ nhất, anh chàng sinh viên theo học ngành kỹ sư dân dụng năm nay 22 tuổi đã đổi chiếc Escalade của mình lấy chiếc Maserati Quattroporte 100 ngàn đô la, là chiếc anh dùng để tới các buổi tụ họp đêm muộn được tổ chức trên WeChat, mạng xã hội phổ biến đối với người Trung Quốc.

Những người Mỹ đồng trang lứa với anh tỏ ra ghen tỵ. "Có rất nhiều người muốn ngồi trên chiếc ghế cạnh ghế lái trong xe tôi, và tôi thỉnh thoảng chở họ đi một vòng," Kwan nói, và giải thích rằng anh cùng các bạn bè người Trung Quốc của mình có vẻ ngoài rủng rỉnh hơn so với cư dân địa phương.

Nicholas Lam, đồng sáng lập công ty New York Auto Depot, và chiếc Mercedes SLS đời 2012 của mình. Anh đã xây dựng doanh nghiệp chuyên bán xe hơi cho sinh viên Trung Quốc ở vùng miền đông nước Mỹ  

Số sinh viên từ Trung Hoa đại lục tới Mỹ học trong năm 2014-2015 là 304.040 người, tăng 11% so với năm trước, và cao gấp năm lần so với một thập niên trước, theo phúc trình của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE).

Chỉ riêng Đại học Illinois tại Urbana-Champaign đã có gần 5.000 sinh viên Trung Quốc trong tổng số 44.000 sinh viên, khiến đây trở thành nơi tập trung nhiều sinh viên Trung Quốc nhất nước.

Từ các vùng bình nguyên Trung Tây Mỹ cho tới các thành phố lớn dọc hai bờ duyên hải nước Mỹ, sinh viên Trung Quốc không chỉ đang làm thay đổi bộ mặt văn hoá tại các trường đại học Hoa Kỳ, mà còn khơi nguồn cho sự bùng nổ kinh tế.

IIE tin rằng các sinh viên Trung Quốc trong năm ngoái đã bơm vào một khoản là 9,8 tỷ đô la vào nền kinh tế Mỹ thông qua tiền học phí và các loại lệ phí, và những bằng chứng về sức mua sắm hào phóng của họ được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết tại các thị trấn mà họ theo học.

Đại lý xe hơi hạng sang

New York City là điểm nhập cảnh phổ biến đối với nhiều sinh viên Trung Quốc tới Mỹ theo học. Nicholas Lam, người gốc Thượng Hải, là một trong những người đầu tiên ra đón khi các sinh viên hạ cánh.

Lam tốt nghiệp Đại học Stony Brook University, Long Island hồi 2013, và đã xây dựng được một đế chế nhỏ chuyên bán xe sang, cả mới lẫn cũ, cho các sinh viên Trung Quốc thông qua công ty riêng của mình là New York Auto Depot.

Người thanh niên 25 tuổi thừa nhận anh không hiểu biết gì nhiều về xe hơi khi bắt đầu tới Mỹ hồi 2009. "Nhưng sau khi mua một chiếc với mức giá mà sau này tôi mới biết là rất phi lý, tôi quyết định học mọi thứ và bắt đầu kinh doanh," anh giải thích.

Hiện Lam có tám nhân viên làm việc toàn phần và 54 người chuyên đi quảng cáo tại các trường đại học nằm dọc Bờ Đông, những người giúp anh bán những chiếc xe 'độc' cho người nước ngoài, chẳng hạn như Lamborghini Huracan (là loại xe có mức giá bán lẻ của nhà sản xuất 199.800 đô la).

"Chúng tôi bán xe hơi ở mức khoảng một chiếc mỗi tháng," anh nói, và cho biết xe hơi hạng sang với giá tầm 100 ngàn đô la chiếm 20% doanh số bán của công ty. Lam nói 95% khách hàng của anh là các sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc, hầu hết đều theo học các trường nằm từ Boston đến Washington DC.

Các sinh viên người Trung Quốc tại Mỹ mua xe, cả cũ lẫn mới, với số tiền lên tới gần 15,5 tỷ đô la trong năm học 2012-13, theo dữ liệu mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường CNW Research. Mercedes-Benz, Lexus và BMW là các hãng được ưa chuộng nhất.

'Thế hệ Đại gia Gatsby'

Timothy Lin là người theo dõi sát sao xu hướng thời đại của các dòng xe hơi hạng sang.

Shawn Mao mở nắp ca-pô chiếc Nissan GTR đời 2015 của mình  

Năm nay 27 tuổi, anh điều hành một mạng truyền thông kỹ thuật số tiếng Trung có đông người dùng, CollegeDaily, nhắm vào các đối tượng là sinh viên du học tại Mỹ.

CollegeDaily nay đã đến được với hơn 600 ngàn người, gấp đôi số sinh viên thực sự đang theo học tại Mỹ, và moi móc đăng lên mọi loại thông tin trên trời dưới bể, từ tin thời sự (như thắng lợi của Donald Trump) cho tới các mẹo vặt (như cách sử dụng app hẹn hò Tinder), cho tới các sản phẩm hàng hiệu mới nhất (trong đó có cả xe hơi hạng siêu sang).

Lin nói rằng trong lúc sinh viên Mỹ coi xe sang là thứ đồ xa xỉ thì sinh viên Trung Quốc lại coi đó là cơ hội hiếm có trong đời.

"Bạn sẽ nghĩ sao nếu tôi nói cho bạn biết rằng khi ra nước ngoài, bạn có thể mua được một chiếc Ferrari với giá phân nửa, thậm chí chỉ bằng phần ba so với mức giá bạn phải trả khi còn ở trong nước? Khi đó bạn sẽ làm gì?" anh nói. "Bạn sẽ đi mua chiếc Ferrari đó bởi nó mức giá chiết khấu quá hấp dẫn, và một khi cơ hội cả đời mới có một lần đó qua đi, bạn sẽ không thể nào mua nổi nữa."

Mức thuế khủng khiếp đánh vào các mặt hàng xa xỉ ở Trung Quốc khiến chiếc Ferrari 458 vốn được bán ra với giá 290 ngàn đô la ở Boston sẽ có giá hơn 700 ngàn đô la tại Bắc Kinh.

Do vậy, một số sinh viên Trung Quốc trong giới được gọi là "thế hệ thứ hai giàu có" coi bốn năm theo học ở Mỹ như thời gian để trải nghiệm các loại xe hơi trong mơ, mua quần áo hàng hiệu và sống một cuộc sống xa hoa.

Lin, người tốt nghiệp Đại học Miami, Ohio, hồi 2012, coi các sinh viên Trung Quốc tại Mỹ lúc này như Thế hệ các Đại gia Gatsy.

"Rất nhiều người tại Trung Quốc nay kiếm được nhiều tiền, cho nên họ muốn dùng các món hàng xa xỉ, như quần áo xịn, đồ ăn sành điệu, xe hơi sang trọng. Họ muốn thử những thứ mới lạ."

Các nhãn hàng xa xỉ hiểu rất rõ về nhu cầu không giới hạn này. Các sinh viên Trung Quốc vung tiền như rác thường đóng vai trò dẫn dắt khuynh hướng một cách không chính thức đối với bạn bè họ ở trong nước, và các hãng đã làm mọi thứ có thể để giành được nguồn khách hàng mới, đầy quyền lực này,

Bloomingdales hồi giữa năm tổ chức một buổi trình diễn thời trang cho sinh viên Trung Quốc tại Chicago, chuỗi bách hoá tổng hợp cao cấp Bergdorf Goodman tài trợ cho các lễ ăn mừng Tết Nguyên đán của học sinh Trung Quốc tại các trường đại học Columbia và NYU. Hãng đại lý xe hơi State College Motors (chuyên bán Mercedes-Benz, Audi và các dòng xe sang trọng khác) thì tài trợ cho một triển lãm xe hơi hàng năm dành cho Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania State University.

'Câu chuyện phát triển kinh tế'

Những nhu cầu to lớn về hàng xa xỉ của sinh viên Trung Quốc có lẽ là bằng chứng rõ rệt nhất về một trong những vùng đất ít đa dạng sắc tộc nhất: miền Trung Tây nước Mỹ.

Các loại hàng hiệu xa xỉ là thứ được nhiều người Trung Quốc có tiền săn lùng. Ảnh ISTOCK  

Một phúc trình mới đây của Viện Brookings Institution cho thấy chín trong tổng số 25 đại học Mỹ có lượng sinh viên Trung Quốc đông nhất thuộc về nhóm Big Ten, tức là nhóm gồm 14 trường đại học trong đó đa phần đặt tại vùng Trung Tây.

Trong thời kỳ suy thoái, các trường đại học lớn này, đa phần là trường công, đã tuyển nhiều sinh viên quốc tế, là các đối tượng đóng học phí cao hơn hẳn, giúp bù đắp giá học phí cho các sinh viên người Mỹ. Việc đăng ký theo học kể từ đó ngày càng tăng thêm.

Chẳng hạn như Đại học Iowa đã tăng vọt từ chưa tới 600 sinh viên Trung Quốc hồi 2007 lên gần 3.000 trong 2016. Tác động của việc chuyển dịch này, trong đó có cả chuyện xe hơi hạng sang ồ ạt đậu trong bãi để xe của khu học xá, đã xuất hiện trên các hàng tin chính ở Hoa Kỳ.

Các khu nhà hàng quán ăn tại các trung tâm mua sắm cũng nở rộ, mà nhiều nhà hàng trước đây từng có thời ế ẩm vắng khách. Đa phần đều là các quán ăn Trung Quốc.

Thành phố đại học Iowa nhỏ xinh chỉ có mọt tiệm Starbucks, nhưng nay có ba quán trà trân châu. Các hãng đại lý bán xe hơi cũng cho biết mức tăng vọt khách hàng là sinh viên quốc tế, theo Brittany Bungert thuộc Hiệp hội Đại lý Xe hơi Iowa.

Muốn mua xe hơi? Hãy tìm thông tin trên WeChat

Mỗi khi tới dịp sinh viên tốt nghiệp, hoạt động trên WeChat của nhiều sinh viên quốc tế cũng trở nên nhộn nhịp với việc rao bán xe hơi trước khi quay trở về Trung Quốc.

"Một số người, là những người chẳng buồn quan tâm tới giá cả và muốn bán nhanh thì sẽ bán lại cho đại lý, nhưng hầu hết sẽ tìm cách bán trên WeChat hoặc bán cho những người như tôi," Lam, chủ doanh nghiệp New York Auto Depot, nói.

Kwan, từ Đại học Illinois, tán thành. Anh nói anh có thể sẽ bán xe sau khi tốt nghiệp, trước khi về nước. Nếu bạn quan tâm, bạn chỉ cần đăng ký vào WeChat để trả giá.

(Nguồn: BizLIVE.vn)
Bình luận
vtcnews.vn