Trong những ngày đầu tiên khi giao tranh xảy ra giữa quân đội Sudan và lực lượng phản ứng nhanh Sudan (RSF), bạo lực không ngừng leo thang, thủ đô Khartoum chìm trong bom đạn. Hai sinh viên năm cuối khoa cơ khí Hassan Tibwa (25 tuổi) và Sami al-Gada (23 tuổi) chỉ biết trốn trong nhà. Cả hai chàng trai đều tự hỏi liệu tương lai đất nước sẽ đi về đâu.
Vài ngày sau, một cuộc gọi thay đổi tất cả những băn khoăn của họ. Hai chàng trai nhận được yêu cầu một chiếc taxi để có thể rời càng nhanh càng tốt khỏi vùng chiến sự.
Trước đó, Tibwa từng có thời gian lái xe taxi cho một số quan chức Liên hợp quốc tại Khartoum.
Chạy trốn khỏi vùng lửa đạn
Khi Hassan Tibwa và Sami al-Gada nghe máy, bên kia đầu dây là một người phụ nữ độ 40 tuổi, đồng thời nói rằng cô là một quan chức của Liên hợp quốc đang mắc kẹt ngay trong chính nhà của mình. Người phụ nữ này không thể ra ngoài khi xe quân sự mang theo vũ khí hạng nặng đậu ngay trước cửa, còn trên không là tiếng chiến đấu cơ “gầm thét”.
Người phụ nữ cho biết thêm đang rất tuyệt vọng khi giao tranh đang tiến tới gần khu phố cô sinh sống. Trong nhà cũng hết nước và điện thoại cũng sắp cạn pin. Người phụ nữ đã van nài Hassan Tibwa và Sami al-Gada cứu cô ấy trước khi điện thoại tắt ngúm.
Cả hai sinh viên Sudan đều hiểu nếu nhận lời cứu người phụ nữ, đây sẽ là một chuyến đi nguy hiểm. Trong khi đó. họ không còn không chắc được trả công.
Sau vài phút suy nghĩ, Hassan Tibwa và Sami al-Gada đã có một hành động táo báo đó là lấy chiếc sedan Toyota cà tàng của al-Gada để thực hiện chuyến giải cứu.
Khi tiến ra tuyến phố chính, cả hai không còn nhận ra khu phố quen thuộc bởi các tòa nhà đầy lỗ đạn, cùng với đó là những chiếc xe cháy trên đường.
Lao xe qua một con đường đầy vỏ đạn, Hassan Tibwa và Sami al-Gada bất ngờ gặp một chốt kiểm soát của RSF. Cả hai đều bị giữ lại kiểm tra thân phận, rất may tấm thẻ sinh viên đã giúp họ an toàn. Họ mất gần một tiếng đồng hồ chỉ để đi qua đoạn đường dài hơn 6 km.
Anh Hassan Tibwa miêu tả rằng: “Chuyến đi đó giống như đang đến địa ngục”.
Hai chàng sinh viên sau đó đã tìm thấy quan chức Liên hợp quốc tên Patience – cô ấy đang trốn trong căn hộ của mình trong một tòa nhà dường như bị bỏ hoang. Phòng khách của Patience bị phá hủy hoàn toàn với đầy vết đạn trên tường.
Để có thể đưa Patience đến vùng an toàn, Hassan Tibwa và Sami al-Gada đã nghĩ ra một cách, đó là cho người phụ nữ mặc áo choàng abaya trùm kín (trang phục phổ biến ở các nước Hồi Giáo) và giả vờ như đang mang thai để có thể đi qua các trạm kiểm soát.
Cả ba đều cầu nguyện để có thể đi qua trót lọt các chốt kiểm soát. Họ hiểu rằng một khi đã bước ra ngoài phố, họ sẽ không còn đường lui.
45 phút và 10 trạm kiểm tra sau đó, chiếc Toyota của họ dừng lại bên ngoài Al Salam, một trong những khách sạn đắt nhất Khartoum, giờ là một trại tị nạn. Patience bật khóc vì những gì đã xảy ra.
Các tay súng RSF hộ tống đoàn xe của Hassan Tibwa và Sami al-Gada đi qua các tuyến phố nguy hiểm ở thủ đô Khartoum.
Chiến dịch giải cứu đặc biệt
Sau cuộc giải cứu thành công Patience, quan chức Liên hợp quốc đặt vấn đề nhờ Hassan Tibwa và Sami al-Gada giải cứu các người bạn khác của cô. Cả hai sau đó đã tham gia vào một chiến dịch giải cứu hàng chục người khỏi vùng chiến sự ở thủ đô Khartoum.
Trả lời phỏng vấn New York Times, hai sinh viên này cho biết không phải chuyến đi nào cũng diễn ra suôn sẻ như của Patience. Họ mất rất nhiều thời gian để xác định vị trí những người muốn sơ tán, khi di chuyển trên đường cả hai đối mặt với hàng loạt nguy hiểm như cướp bóc, tạm giam thậm chí là bị dọa hành quyết ngay giữa đường.
Các đơn vị RSF thậm chí xem hai sinh viên này như gián điệp.
Công việc giải cứu người đã nguy hiểm nhưng cả hai còn phải giúp các nhà ngoại giao tìm giấy tờ thất lạc của họ. Trong khi đó đạn pháo bắn vào Khartoum chưa có một giờ nào là dừng lại.
"Sự dũng cảm của những người này thật đáng kinh ngạc", ông Fares Hadi, một giám đốc nhà máy người Algeria sống sót qua cuộc giao tranh nói với New York Times về việc được hai sinh viên Sudan giải cứu.
Mọi người được giải cứu khi trả lời phỏng vấn đều cho biết cả Hassan Tibwa và Sami al-Gada đều không yêu cầu nhận thù lao từ các cuộc giải cứu.
Trong 6 ngày giao tranh diễn ra ở Khartoum, hai sinh viên Sudan đã giúp đỡ ít nhất 60 người từ vùng chiến sự đến nơi an toàn gồm: giáo viên Nam Phi, nhà ngoại giao Rwanda, nhân viên cứu trợ Nga và nhân viên Liên Hợp Quốc từ nhiều quốc gia, bao gồm Kenya, Zimbabwe, Thụy Điển và Mỹ.
“Từ duy nhất dành cho họ là anh hùng”, một quan chức Liên hợp quốc cho biết về hành động cao cả của Hassan Tibwa và Sami al-Gada.
Giống như hầu hết các nhân viên của Liên hợp quốc được phỏng vấn, quan chức này nói với điều kiện giấu tên cho biết, nhiều nhân viên và cán bộ của Liên hợp quốc đã không được giải cứu kịp thời khi giao tranh diễn ra. Liên hợp quốc chưa có bất cứ hành động cụ thể nào di tản người khỏi vùng nguy hiểm.
“Bất chấp tất cả sự hỗn loạn, nỗi sợ hãi, vụ đánh bom. Sami và Hassan đã đứng ra cứu mọi người”, quan chức Liên hợp quốc nói.
Bình luận