• Zalo

‘Sinh viên ra trường hầu hết loại giỏi, số ít loại khá, không có loại trung bình’

Giáo dụcThứ Hai, 04/04/2016 01:49:00 +07:00Google News

(VTC News) – Các đại biểu Quốc hội đã nêu ra thực trạng bất cập hiện nay khi sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng rất đẹp nhưng không có việc làm.

(VTC News) – Các đại biểu Quốc hội đã nêu ra thực trạng bất cập hiện nay khi sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng rất đẹp nhưng không có việc làm.

Góp ý về giáo dục, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông cho rằng hơn lúc nào hết cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông 

Bà Hạnh cho rằng đây là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và có lẽ là không có điểm dừng vì trình độ xã hội ngày càng tiến bộ và con người vừa phải thúc đẩy xã hội đi lên vừa phải đáp ứng theo trình độ xã hội.

Giáo dục và thị trường trong tình hình hiện nay là hai lĩnh vực cần phải gắn bó chặt chẽ với nhau theo nghĩa tích cực.

“Gần đây, trường Đại học Tây Nguyên cho nghỉ học đối với các sinh viên không đáp ứng chất lượng học tập với số lượng lớn, tôi cho đó là nội dung tích cực nhưng cũng không khó để tìm địa chỉ của cơ sở đào tạo khác đã cho sinh viên ra trường với kết quả tốt nghiệp hầu hết là loại giỏi còn làm số ít là loại khá và không có loại trung bình”, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh nêu.

Vị đại biểu tỉnh Đắk Nông cho rằng ai cũng hiểu đó là nội dung có nguy cơ tiêu cực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải bắt đầu từ môi trường giáo dục.

“Do đó, rất mong trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới và trong tương lai sau này, chúng ta thực hiện thật nghiêm túc công tác kiểm định chất lượng giáo dục từ cơ sở đào tạo đến nội dung chương trình đạo tạo, đặc biệt là đổi mới suy nghĩa nhắm tới dài hạn và về chính sách thì cần có cơ chế khuyến khích để nội dung kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động tự nguyện của mỗi cơ sở đào tạo”, bà Hạnh đề xuất.

Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho hệ thống giáo dục ở các vùng khó khăn trên cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - TP Cần Thơ
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - TP Cần Thơ 

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - TP Cần Thơ  cho rằng về giáo dục, cử tri đánh giá lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả tốt được ghi nhận, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục ĐH công lập



“Sự ra đời của Nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đã làm nền tảng cho sự đổi mới. Tuy vậy, cử tri cũng cho rằng, trong 5 năm qua sự đổi mới giáo dục còn nhiều lúng túng như đổi mới thi cử, chương trình đào tạo, sách giáo khoa, nhất là triết lý của nền giáo dục chưa định hình thật rõ ràng”, đại biểu Phương nói.

Vì thế, cử tri kiến nghị trong giai đoạn tới Chính phủ, bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đối với ngành giáo dục, làm cho giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

“Đặc biệt, quan tâm đúng mức vấn đề sách giáo khoa, tự chủ và cơ chế quản lý đại học để giáo dục, đào tạo thực hiện được một trong những chức năng quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. đại biểu Phương nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa - Thừa Thiên - Huế
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa - Thừa Thiên - Huế 

Cũng có cùng trăn trở về giáo dục, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa - Thừa Thiên - Huế cho rằng cần giải quyết việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học, trường cao đẳng, các trường nghề.

“Các đại biểu Quốc hội biết đi tiếp xúc cử tri ở vùng sâu, vùng xa, các vùng đồng bằng thì con em tốt nghiệp các trường đại học không có việc làm khá lớn. Tôi  đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đưa vào chỉ tiêu này để chúng ta tiếp tục có những giải pháp thực hiện tốt”, ông Nghĩa đề xuất.

Trước đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ĐH Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Những bất cập trong chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý, quản trị ĐH đặt ra đòi hỏi phải đổi mới giáo dục ĐH mạnh mẽ, căn bản, toàn diện như Nghị quyết Trung ương 29 đã xác định.

Ông Đam cũng nêu ra thực tế lâu nay giáo dục ĐH chỉ chú trọng “siết chặt” đầu vào, không chú ý đúng mức tới đầu ra.  Đây là nguyên nhân tạo ra tâm lý tất cả để “vượt vũ môn”, vào được ĐH là chắc chắn sẽ tốt nghiệp nên nhiều sinh viên không nỗ lực học tập.

Đây cũng là một yếu tố góp phần làm giảm động lực nghiên cứu và giảng dạy của chính các thầy cô giáo.

Để khắc phục tình trạng này cần tăng cường quản lý chất lượng đầu ra gắn với đánh giá, thừa nhận của xã hội, của người sử dụng lao động, của đối tác quốc tế.

“Có ý kiến cho rằng để các em vào đại học rồi lại phải lưu ban hay không tốt nghiệp sẽ là sự lãng phí lớn với nhiều gia đình, nhất là gia đình nghèo. Nhưng nếu các kỹ sư, cử nhân không đủ chất lượng, không có việc làm thì sự lãng phí đó không chỉ ở một số gia đình mà toàn xã hội”, Phó Thủ tướng phân tích.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn