• Zalo

Chuyên gia kinh tế: 'Các bạn sinh viên đừng thần tượng ai cả'

Giáo dụcThứ Tư, 24/05/2017 20:18:00 +07:00Google News

Ông Vũ Tú Thành - Phó GĐ khu vực Đông Nam Á Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng các bạn sinh viên chỉ học được ở những người thầy ở một mặt nào đó, còn bản thân bạn phải có tư duy độc đáo của riêng mình.

Sáng 24/5, tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chương trình “Đối thoại hướng nghiệp: Hành trang cho cách mạng công nghiệp 4.0” đã diễn ra với sự tham gia của các diễn giả là đại diện doanh nghiệp thành công và 500 sinh viên.

  Các diễn giả chia sẻ với sinh viên trong chương trình “Đối thoại hướng nghiệp: Hành trang cho cách mạng công nghiệp 4.0”.

 Các diễn giả chia sẻ với sinh viên trong chương trình “Đối thoại hướng nghiệp: Hành trang cho cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động “Đối thoại hướng nghiệp” do báo Sinh viên Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phối hợp tổ chức tại nhiều cụm trường đại học lớn trên toàn quốc trong năm 2017.

Trong buổi thảo luận, các diễn giả trả lời các câu hỏi được nhiều sinh viên quan tâm liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng công nghiệp này được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano.

Trước câu hỏi “Sinh viên cần hành trang như thế nào cho Cách mạng 4.0", bà Nguyễn Nguyệt - Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách công Uber Việt Namchia sẻ: “Mỗi một cá nhân sẽ có con đường cho riêng mình, do vậy mỗi chúng ta cần hành trang hay những “ba-lô” khác nhau, nhưng có những thứ chung mà chúng ta cần là: ngoại ngữ, khả năng nhanh nhạy về nguồn thông tin (có bộ lọc thông tin tốt), niềm đam mê”.

Bà Nguyễn Thị Ý Như - Trưởng phòng Truyền thông và đối ngoại miền Bắc Coca-Cola chia sẻ: “Các bạn cần phải biết là mình muốn đi đến đâu, muốn cái gì. “Giấc mơ là nơi bắt đầu” chính là khởi điểm của các bạn. Để đi được xa, bạn phải bắt đầu từ giấc mơ, từ niềm đam mê”.

Ông Tú Thành - Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đưa ra quan điểm: “Hành trang quan trọng nhất theo tôi là tư duy. Tư duy phát triển thì mới có sự đột phá. Các bạn đừng thần tượng ai cả vì con người luôn bị hạn chế bởi không gian và thời gian.

Cho nên các bạn chỉ học được ở những người thầy, hay những đối tượng nào đó mà bạn ngưỡng mộ ở một mặt nào đó, còn bản thân bạn phải có tư duy độc đáo của riêng mình. Bạn luôn luôn phải yêu cầu cao hơn những gì hoàn cảnh có thể dạy cho bạn. Bạn phải học tập ở mọi nơi, mọi lúc”.

Bạn Trinh, cựu ĐH Xây dựng hỏi: “Nhiều công nghệ nổi tiếng như Google đều trải qua giai đoạn “lò ấp” trong các trường đại học, ông Thành có thể chia sẻ về điều này được không?”.

 Bạn Trinh, cựu ĐH Xây dựng hỏi: “Nhiều công nghệ nổi tiếng như Google đều trải qua giai đoạn “lò ấp” trong các trường đại học, ông Thành có thể chia sẻ về điều này được không?”.

Một số bạn trẻ lo ngại cuộc Cách mạng 4.0 sẽ làm cho các bạn khó kiếm việc làm hoặc mất việc vì không kịp thích nghi.

Trả lời câu hỏi này, ông Tú Thành nói: “Ở Mỹ có những bộ phận người lao động bị gạt ra bên lề trong quá trình phát triển nền kinh tế. Tuy vậy chúng ta phải đối mặt với thực tế này. Cho dù chúng ta thích hay không thì cuộc cách mạng công nghệ này vẫn sẽ diễn ra, cho nên chúng ta phải thích nghi.

Hiện nay, các chính phủ vẫn đang tìm cách để thích nghi. Và đối với mỗi cá nhân thích nghi với sự phát triển này rất đa dạng. Ví dụ như tôi biết có một công nhân mỏ than mở công ty kinh doanh dịch vụ chải lông cho chó mèo khá thành công. Do vậy, bắt kịp xu hướng của thị trường sẽ tạo cơ hội cho những người chưa có việc làm hoặc thất nghiệp”.

Bà Ý Như cho rằng: “Khó khăn nhất trong cuộc đời mỗi người là đối mặt với sự thay đổi. Nhưng nó chỉ khó cho bạn khi bạn bị động. Các bạn biết rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới gần thì các bạn cần chuẩn bị những gì thì. Bạn cần phải chủ động. Ví dụ như Giám đốc bán hàng của Coca-Cola Việt Nam tốt nghiệp Đại học Y mà đang làm việc rất thành công.

Bài học của tôi khi còn trẻ là tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian. Tôi từng rơi vào trầm cảm vào năm thứ 4 đại học vì không biết con đường mình đi là gì, hướng đi như thế nào. Tôi đi rất nhiều nơi và gặp gỡ rất nhiều người để học hỏi. Sau này tôi tự vỡ ra và có được ngày hôm nay”.

500 sinh viên đã đến dự chương trình để tìm hiểu về cơ hội, thách thức đối với bạn trẻ trước cuộc Cách mạng cộng nghiệp 4.0

500 sinh viên đã đến dự chương trình để tìm hiểu về cơ hội, thách thức đối với bạn trẻ trước cuộc Cách mạng cộng nghiệp 4.0.

Video: Chàng trai 8X tài năng, bỏ lương 'khủng' về Việt Nam lập nghiệp.

Bạn Trinh, cựu ĐH Xây dựng hỏi: “Nhiều công nghệ nổi tiếng như Google đều trải qua giai đoạn “lò ấp” trong các trường đại học, ông Thành có thể chia sẻ về điều này được không?”.

Chuyên gia Tú Thành đáp: “Hiện nay các trường đại học ở Việt Nam cũng đã xây dựng những mô hình ươm tạo khởi nghiệp cho sinh viên như là Bách khoa, ĐH Quốc gia... Theo như tôi thấy, điểm chung của tất cả những trường hợp khởi nghiệp thành công trong nhà trường hay là vừa mới tốt nghiệp đều cần có một khả năng là “nhìn ra cơ hội kiếm tiền”. Đó là cách nói đơn giản của việc bạn hiểu được nhu cầu của thị trường.

Ở góc độ của nhà trường, các trường cần phải nhạy bén nhìn ra như cầu kinh doanh và kết nối được với các nguồn lực, tận dụng được cơ sở vật chất, kiến thức của nhà trường. Có thể dùng uy tín của nhà trường để góp phần vào các mô hình ươm tạo, để giúp các sinh viên được ươm tạo có được nền tảng cạnh tranh nhất định so với các đối thủ ngoài thị trường”.

Triều Dương
Bình luận
vtcnews.vn