Karttikeya Mangalam, sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật điện của Viện Công nghệ Ấn Độ ở Kanpur (IIT-Kanpur) đã chia sẻ bài viết về việc kỹ sư cũng có thể cứu người trên tạp chí nội bộ của trường. Sau khi nhà trường đăng tải lên mạng xã hội Twitter, bài viết của Mangalam đã được chia sẻ hơn 1.000 lần, Hindustan Times đưa tin hồi giữa tháng 5.
Theo Mangalam, trên chuyến bay từ Geneva (Thụy Sĩ) về New Delhi, em bắt gặp ông Thomas (30 tuổi) đến từ Hà Lan, người bị tiểu đường type-1 đang trong tình trạng tăng đường huyết do không được tiêm insulin trong hơn 5 tiếng. Mặc dù có mang theo hộp thuốc, Thomas vẫn không thể làm gì do dụng cụ tiêm bị thất lạc.
Một bác sĩ trên cùng chuyến bay, cũng là bệnh nhân tiểu đường, đã nhanh chóng hiểu ra vấn đề. Ông đem theo thiết bị để tiêm insulin nhưng loại ông dùng khác với loại của Thomas.
Lúc đó, Thomas đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp bởi mức đường trong máu tăng cao. Ông rơi vào tình trạng hôn mê và bắt đầu sùi bọt mép. Phi hành đoàn buộc phải thông báo máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp gần khu vực Afghanistan - Kazakhtan. Tuy nhiên, nó chưa thể hạ cánh ngay trong khoảng một tiếng rưỡi.
Mangalam đã bước tới và yêu cầu tiếp viên hàng không cho truy cập wifi để tìm kiếm bản thiết kế của dụng cụ tiêm. Em nhận ra chỉ cần thêm một lò xo nhỏ vào dụng cụ của bác sĩ là có thể dùng để tiêm cho Thomas.
"Tôi đã nhờ tiếp viên hỏi xem liệu có hành khách nào mang theo bút bi không bởi nó thường có lò xo bên trong. Sau khi nhận được bút, tôi đã lắp vào dụng cụ để bác sĩ điều chỉnh liều lượng thích hợp và tiêm cho Thomas bằng loại insulin của ông ta", Mangalam nói.
Trong 15 phút, mức đường huyết của Thomas ngừng tăng và ổn định. Ông được chuyển đến bệnh viện ở Gurgaon, Ấn Độ để được hỗ trợ thêm. Mangalam cho biết vị khách này đã gửi lời cảm ơn và mời em tới Hà Lan chơi. Qua sự việc, Mangalam muốn khẳng định một sinh viên kỹ thuật hoàn toàn có thể vận dụng kiến thức để cứu giúp mọi người.
Bình luận