Trong khoảng 20 triệu năm, megalodon, loài cá mập khổng lồ sống và phân bổ ở hầu hết các đại dương trên thế giới. Sinh vật hung tợn này dài khoảng 20 m và nặng tới 100 tấn.
Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy, Megalodon phân bố rộng khắp thế giới và tập trung nhiều nhất ở Thái Bình Dương. Nhưng cách đây khoảng vài triệu năm, megalodon bất ngờ biến mất.
Các nghiên cứu trong quá khứ chỉ ra rằng megalodon tuyệt chủng vào khoảng 2,6 triệu năm sau một vụ nổ siêu tân tinh làm biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, các hóa thạch của megalodon thu thập được ở bờ biển phía tây Bắc Mỹ mới đây lại mang đến các giả thiết mới. Sau khi phân tích, các nhà khoa học cho rằng megalodon có thể dã tuyệt chủng trước 1 triệu năm so với các phỏng đoán trước đây. Nguyên nhân khiến chúng biến mất nhiều khả năng là do người họ hàng cá mập trắng.
Cá mập trắng lần đầu xuất hiện trên Trái Đất vào khoảng 6 triệu năm trước. Lúc đầu, chúng chỉ sống ở Thái Bình Dương. Nhưng chỉ 2 triệu năm sau đó, những kẻ săn mồi này tự lan rộng thành công trên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi cá mập trắng mở rộng môi trường sống, có thể chúng đã xâm phạm tới lãnh thổ của megalodon để tìm kiếm thức ăn. Khi cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt, cuộc chiến sinh tồn sẽ biến thành một mất một còn.
"Chúng tôi cho rằng 3,6-4 triệu năm là khoảng thời gian đủ để cá mập trắng lan rộng trên khắp thế giới và vượt qua megalodon, khiến chúng tuyệt chủng thay vì bức xạ ngoài vũ trụ", Robert Boessenecker, nhà sinh vật học tới từ Đại học Charleston, Nam Carolina, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, một chuyên gia về cá mập cổ đại của National Geographic không đồng tình với kết luận này. Ông cho rằng ông Boessenecker và các cộng sự có thể đã bỏ qua các thủ phạm tiềm năng khác như cá mập hổ hiện đại, sinh vật từng chia sẻ lãnh thổ với megalodon.
Mặc dù, trên thực tế, ông Boessenecker cũng nói rằng cần nghiên cứu thêm trước khi đưa ra đáp án cuối cùng cho bí ẩn này.
Bình luận