Các nghiên cứu trong quá khứ cho thấy đại dương là nơi sinh sống của hàng chục triệu virus khác nhau. Một mililit nước có thể chứa tới 10 triệu virus. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng giảm đi đáng kể bởi các các sinh vật sống trong đại dương.
Theo nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature, nhà sinh thái biển Jennifer Welsh tới từ Viện nghiên cứu biển Hoàng gia Hà Lan cho biết, một số loài sinh vật biển có khả năng loại bỏ virus có trong đại dương.
Welsh và các đồng nghiệp đã nghiên cứu trên 10 loài sinh vật biển khác nhau và phát hiện cua, sò, bọt biển, hàu là những loài có "đóng góp" nhiều nhất trong việc làm giảm virus trong nước.
Thông qua các thí nghiệm, nhóm của Welsh nhận ra rằng các sinh vật này loại bỏ virus thông qua các hành động chủ động như săn mồi hoặc vô tình tạo ra một rào cản giữa virus và vật chủ tiềm năng.
Theo bà Welsh, các động vật được chọn để nghiên cứu có thể quét sạch gần như toàn bộ quần thể virus trong vài giờ.
"Trong các thí nghiệm của chúng tôi, bọt biển làm giảm sự hiện diện của virus tới 94% trong vòng 3 giờ. Một thí nghiệm khác cho thấy sự hấp thụ virus xảy ra rất nhanh và hiệu quả. Ngay cả khi chúng tôi đưa virus mới vào nước cứ sau 20 phút, bọt biển vẫn loại bỏ chúng rất hiệu quả", bà cho hay.
Sau bọt biển, cua là sinh vật xếp thứ 2 trong khả năng loại bỏ virus. Nó làm giảm 90% sự hiện diện của virus trong khi sò là 43%, hàu là 12%.
Welsh và các cộng sự lưu ý rằng các phát hiện mới của họ có thể được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản. Các sinh vật như bọt biển có thể được sử dụng để bảo vệ quần thể trang trại khỏi các đợt bùng phát dịch bệnh tiềm tàng.
Bình luận