Từng tham gia cứu nạn cứu hộ hơn 1.000 vụ, nhưng vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) chiều 29/10/2002 khó quên nhất với Trung tá Nguyễn Chí Thành. Công việc của anh cùng đồng đội là đưa hơn 100 nạn nhân ra khỏi tòa nhà khói lửa ngùn ngụt an toàn.
Tiếp đó, anh đứng trên chiếc xe thang cao 32m lủng lẳng giữa không trung, cầm vòi phun nước chữa cháy suốt 5 giờ liền. "Chỉ cần run chân hay gió lay mạnh lắc lư thang làm mất thăng bằng là rơi xuống đất, chưa kể lửa trong tòa nhà có thể bùng lên, táp vào mặt, hay những mảnh kính vỡ bắn ra vô cùng nguy hiểm", Trung tá Thành nhớ lại.
Trung tá Nguyễn Chí Thành (cầm cờ) cùng đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đến khoảng 20h ngày 29/10/2022, ngọn lửa cơ bản được khống chế, anh Thành cùng đồng đội chia nhóm thâm nhập vào các tầng của tòa nhà tìm kiếm, đưa nạn nhân ra ngoài. Suốt nhiều giờ ra vào, mấy lần anh xỉu đi, nhưng tỉnh lại là lao vào việc ngay.
Đồng đội của anh cũng thế. Việc tìm kiếm liên tục đến gần 10h sáng hôm sau. Nạn nhân cuối cùng là người phụ nữ bị kẹt trên la phông của phòng vệ sinh được anh Thành phát hiện. Chẳng chút do dự, anh cùng đồng đội xốc chị lên vai đưa xuống nhà.
"Đến bây giờ tôi vẫn không quên hình ảnh người con được mẹ ôm chặt trong lòng ở vụ cháy năm đó. Tình mẫu tử thiêng liêng đến nhường nào", Trung tá Thành xúc động nói.
Trung tá Nguyễn Chí Thành, trong lúc làm nhiệm vụ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh cho biết thêm, nếu những lúc đám cháy bùng phát dữ dội, anh và đồng đội bỏ cuộc, biết đâu có nạn nhân không qua khỏi, biết đâu trong đó có người đang rất cần một bàn tay nắm lấy họ... Chính vì vậy, anh và đồng đội không ngần ngại lao vào cứu người.
Chính niềm tin và hy vọng của người dân đã tiếp thêm sức mạnh và cả một chút liều lĩnh để anh cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Chí Thành cũng còn nhớ như in lần cứu nạn ở hang nguyên thủy sâu khoảng 280 m thuộc địa bàn xã Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang) hồi tháng 2/2020.
Địa hình hang sâu, có nhiều đá sắc nhọn, thiếu dưỡng khí. Bằng kinh nghiệm thực tế, anh thận trọng di chuyển xuống đáy hang, tìm kiếm và phát hiện được thi thể nạn nhân đang trong tình trạng phân hủy nặng. Sau đó, anh cùng đồng đội đưa được thi thể lên khỏi hang.
Trung tá Thành cùng đồng đội tham gia tìm kiếm hài cốt nạn nhân rơi xuống hang sâu ở Cao Bằng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
"Lúc đó, tôi đấu tranh tư tưởng giữa sự sống và công việc nhiều lắm. Nếu tôi xuống nhỡ đâu hy sinh bỏ lại vợ con, nhưng nếu dừng lại thì nạn nhân mãi mãi nằm dưới hang. Vì lương tâm, tôi vẫn chọn một mình xuống để đưa nạn nhân ra ngoài", anh Thành nói.
Tháng 2/2023, Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng đồng nghiệp tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất. Anh không khỏi xúc động khi kể lại quãng thời gian vất vả của đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam trong suốt hành trình chi viện cho nước bạn.
Trung tá Thành cùng đội cứu hộ Việt Nam đã cứu sống 1 thiếu niên 17 tuổi khi kiên trì đào bới và phát hiện dấu vết sự sống của nạn nhân, kết hợp với lực lượng cứu nạn cứu hộ quốc tế đưa nạn nhân còn sống ra khỏi tòa nhà đã sụp đổ hoàn toàn, và tìm được 14 thi thể nạn nhân đưa ra ngoài.
Trung tá Thành cho hay, anh được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân khi phát hiện tín hiệu nạn nhân còn sống. Có 2 phương án được đưa ra, một là dùng máy cuốc, máy đào dỡ đống đổ nát để đưa nạn nhân lên, và hai là đào một đường hầm để tiếp cận.
Phương án 1 không thể thực hiện vì nguy cơ nạn nhân sẽ tiếp tục bị vùi lấp do các khối bê tông.
Phương án 2 được mọi người nhất trí cao, mặc dù thực hiện phương án này sẽ rất nguy hiểm cho người lính cứu nạn. Một đường hầm dài 7 m được các tổ cứu nạn tạo ra, tất cả chỉ sử dụng tay không để làm vì dùng máy sẽ dễ gây sập.
Trung tá Thành tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trung tá Thành vào trong đường hầm, vừa di chuyển, vừa giao tiếp với nạn nhân để xác định vị trí. Lúc nạn nhân trả lời, suy nghĩ trong đầu như thúc giục anh phải tiếp cận nhanh vị trí nạn nhân, đưa ra ngoài càng sớm càng tốt. Lúc này, đội cứu nạn của Pakistan cũng hỗ trợ cùng. Khi nạn nhân được đưa ra ngoài an toàn, cả đoàn như vỡ òa hạnh phúc.
“Lúc đó nếu tiếp tục đào sẽ nguy hiểm cho nạn nhân nên tôi móc hang bằng tay để vào. Nếu đất sụp là tôi hy sinh, nhưng tôi vẫn chọn phương án đó và rất vui vì cứu sống được nạn nhân. Việt Nam mình đến Thổ Nhĩ Kỳ vì tinh thần quốc tế trong sáng, vì lòng yêu thương con người. Khi mình làm được, họ đã để tay lên ngực và cúi đầu chào trân trọng”, Trung tá Thành chia sẻ.
Việc tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ rất khó khăn. Có những hiện trường tới 3 - 4 lốc nhà, mỗi lốc cao hơn 10 tầng đổ sập, nhìn như đống xà bần khổng lồ. Mỗi lần tìm được một nạn nhân thiệt mạng là một lần những người lính cứu nạn cảm thấy đau lòng.
“Hình ảnh đau lòng mà anh em cứu nạn chứng kiến là cảnh phát hiện 4 thi thể nằm sát và chồng lên nhau. Anh em phải nén xúc động, không dùng các vật dụng mà dùng tay moi lớp đất đá để đưa các nạn nhân lên. Anh em mong muốn đào nhiều, nhưng không muốn nhìn thấy nạn nhân xấu số”, Trung tá Thành bùi ngùi nói.
Cảnh sát cứu hộ cứu nạn "nghèo có tiếng" bật khóc được tặng nhà. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Công tác trong lực lượng PCCC và CNCH hơn 22 năm, đồng lương eo hẹp nên gia đình Trung tá Nguyễn Chí Thành vẫn ở trọ trong căn nhà xập xệ, xuống cấp ở cuối con hẻm nhỏ Quận 1. Bức tường căn trọ loang lổ, ẩm mốc, trần thạch cao thấm nước rớt lởm chởm, cửa sổ luôn đóng kín vì sợ sập, phải dán chữ cảnh báo "Nguy hiểm, đừng tới gần". Tuy nhiên, những điều đó không ngăn nổi tình yêu dành cho công việc của anh.
Với những đóng góp cho công tác cứu nạn, cứu hộ, tháng 3/2023, Trung tá Thành được tặng một căn hộ trong khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (phường An Lạc, Bình Tân, TP.HCM). Nhiều đêm liền anh không ngủ được vì quá hạnh phúc trước món quà ý nghĩa, là mơ ước cả đời của anh.
Trung tá Nguyễn Chí Thành vừa được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trước đó, Trung tá Nguyễn Chí Thành là 1 trong 5 gương điển hình tiên tiến được chọn giao lưu trong Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an TP.HCM giai đoạn 2015 - 2020.
Năm 2021, Trung tá Nguyễn Chí Thành được TP.HCM vinh danh là Gương thầm lặng mà cao cả.
Trung tá Nguyễn Chí Thành được Giám đốc Công an TP.HCM tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2020, 2021, 2022; được lãnh đạo các cấp tặng 6 Bằng khen và đang được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng năm 2023.
Bình luận