(VTCNews) – Luật sư cho rằng, Huyền Như cũng chỉ là nạn nhân của tín dụng đen, bất động sản.
Chiều 13/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư dành cho bị cáo.
Trình bày quan điểm của mình trước tòa, luật sư Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn luật sư TP.HCM), người bào chữa cho siêu lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như hoàn toàn đồng ý với các tội danh mà cơ quan công tố cáo buộc.
Tuy nhiên, luật sư Ngoan vẫn đề nghị hội đồng xét xử lưu ý thêm một số các chi tiết. Cụ thể: Như là một người phụ nữ có năng lực. Ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường, bước vào thị trường tài chính, chứng khoán thì Như đã có khối tài sản trị giá đến 50 tỷ đồng.
Vì tưởng dễ dàng, Như lại đi vay tiếp 200 tỷ đồng để đầu tư vào thị trường bất động sản, chứng khoán. Thế nhưng, vào năm 2010, khi vụ án lừa đảo này xảy ra, bất động sản hoàn toàn đóng băng, Như trở nên ‘chới với’ trong khả năng thanh toán các khoản nợ.
Do phải chịu áp lực rất lớn của các chủ nợ, Như phải đi vay nặng lãi để đi trả nợ, với hy vọng sẽ có ngày bất động sản ‘sáng’ trở lại để có tiền trả nợ. Khi không thấy cứu vãn được tình hình, Như mới lao vào tình huống lừa đảo, với những thủ đoạn như giả chữ ký, con dấu, hồ sơ giả…
Theo luật sư Ngoan, suy cho cùng thì Như cũng chỉ là nạn nhân của tín dụng đen, bất động sản.
Theo các luật sư, suy cho cùng thì siêu lừa Huyền Như cũng chỉ là nạn nhân của tín dụng đen (Ảnh: N.D) |
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Với vai trò là phó phòng giao dịch của ngân hàng, nhưng các thủ đoạn lừa đảo của Như trong vụ án này là không tinh vi, không có sự phân công chặt chẽ giữa các đồng phạm, chỉ đơn giản là giả chữ ký, con dấu để làm trong các hồ sơ vay tiền tại chính Vietinbank.
“Cách quản lý, giám sát, kiểm soát nội bộ của Vietinbank quá lỏng lẻo, sơ hở chính là cơ hội để cho Như phạm tội. Đây chính là yếu tố khách quan dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Huyền Như” – luật sư Thi lý giải.
Đồng thời, việc phạm tội của Huyền Như là do các công ty, cá nhân, ngân hàng quá ham lãi suất cao, không đến trụ sở ngân hàng để kiểm tra, xác minh. Các ngân hàng biết Như dùng tiền ủy thác, gửi tiền vào Vietinbank là trái luật tổ chức tín dụng, nhưng vẫn đồng ý tạo cơ hội để Như phạm tội.
Cũng theo luật sư Thi, nếu không có sự giúp sức, dù vô tình hay cố ý thì cũng sẽ không có xảy ra một vụ án lừa đảo gây chấn động ngành tài chính, ngân hàng lớn nhất từ trước tới nay.
Về trách nhiệm dân sự, trong suốt quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại hoàn toàn không yêu cầu Huyền Như bồi thường, mà chỉ yêu cầu Vietinbank bồi thường, nên đề nghị hội đồng xét xử đề nghị bác yêu cầu Như phải bồi thường trên 3.900 tỷ đồng.
Các luật sư Phan Trung Hoài, Trương Thị Hòa, Lưu Văn Tám tiến hành bào chữa cho các bị cáo Võ Anh Tuấn, Phạm Thị Tuyết Anh, Huỳnh Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Lành đề nghị hội đồng xét xử xem xét các yếu tố, động cơ phạm tội, vai trò của thân chủ mình trong bối cảnh chung của toàn vụ án.
Ngày mai (14/1), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bào chữa.
Việt Dũng
Bình luận