• Zalo

Siêu dự án của Taliban có thể biến toàn bộ Trung Á thành sa mạc

Thế giớiThứ Tư, 29/03/2023 06:55:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Taliban tiếp tục khiến khu vực Trung Á rơi vào bất ổn khi Afghanistan bắt đầu xây dựng kênh đào làm ảnh hưởng đến nguồn nước của các quốc gia trong khu vực.

Theo trang tin Ia-centr.ru, Afghanistan đang tích cực triển khai dự án xây dựng kênh đào khổng lồ Koshtepa ở tỉnh Balkh trên biên giới với Turkmenistan. Việc bắt đầu xây dựng dự án này đã được công bố một năm trước. Vào đầu tháng 3/2023, các quan chức Afghanistan đã kiểm tra tiến độ xây dựng, quy mô của dự án không chỉ "gây ấn tượng" với các nước láng giềng mà còn gây ra những lo ngại nghiêm trọng. 

Chiều dài của kênh đào là 285 km, chiều rộng 100 mét, độ sâu 8,5 mét. Con kênh bắt nguồn từ Amu Darya ở quận Kaldar của tỉnh Balkh, Tây Bắc Afghanistan. Nước cho kênh sẽ được lấy từ con sông Amudarya. Công suất của kênh dự kiến là 650 m3/s.

Dự án được thực hiện bởi Công ty Phát triển Quốc gia Afghanistan, việc xây dựng được thực hiện bằng nguồn vốn nhà nước. Chi phí ước tính của dự án là khoảng 684 triệu USD. Taliban tin rằng dự án sẽ giúp cung cấp nước cho các vùng khô hạn, điều này sẽ tạo động lực cho sự phát triển của nông nghiệp. 

Hiện tại đã có hơn 6.000 người được huy động tham gia vào việc xây dựng kênh đào và đã hoàn thành được khoảng bốn mươi km dự án. Việc hoàn thành dự án được dự kiến là vào năm 2028.

Các chuyên gia lo ngại rằng khi kênh Koshtepa đi vào hoạt động, tình hình lưu vực sông trong khu vực sẽ xấu đi nghiêm trọng. Thực tế trong những năm gần đây, tất cả các nước cộng hòa ở Trung Á đang ngày càng thiếu nước.

Hạ lưu của con sông Amudarya chảy qua Uzbekistan và Turkmenistan có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quốc gia này có thể mất tới 15% lượng nước tưới từ con sông chính của khu vực. 

Trong khi đó, người tiêu dùng nước chính ở Trung Á là Uzbekistan, quốc gia có dân số lên tới 34 triệu người và tiếp tục tăng. Hơn nữa, 90% nước ở quốc gia này được sử dụng trong nông nghiệp.

Cần lưu ý rằng kể từ tháng 6 năm ngoái, lượng nước ở lưu vực sông Amudarya đã giảm xuống còn 65 - 85% và cho đến nay vẫn ở dưới mức bình thường. Các thành phố lớn của Uzbekistan và Turkmenistan đã thực hiện việc tiết kiệm nước nhưng không mang lại hiệu quả mong muốn.

Siêu dự án của Taliban có thể biến toàn bộ Trung Á thành sa mạc - 1

Máy móc trên công trường thực hiện dự án kênh đào Koshtepa của Afghanistan

Các dự án của Afghanistan có thể là thảm họa cho toàn bộ Trung Á

Chính quyền Kabul sẽ không chỉ giới hạn trong việc xây dựng kênh Koshtepa. Afghanistan còn có kế hoạch xây dựng tổ hợp thủy điện Dasht-i-Dzhun, nơi có thể tích phần lớn nguồn nước của sông Pyanj. Do đó, Taliban sẽ chiếm phần lớn nước từ các con sông xuyên biên giới phía bắc. 

Việc triển khai hai dự án này, theo các chuyên gia có thể kéo theo không chỉ các vấn đề kinh tế và xã hội ở Uzbekistan và Turkmenistan, mà còn là thảm họa môi trường trên toàn Trung Á. 

Thực tế sông Amu Darya là nguồn cung cấp nước chính không chỉ cho hồ Aral đang cạn kiệt mà còn cho các hồ chứa và kênh đào trong khu vực. Các chuyên gia chỉ ra rằng dòng sông có thể không chảy đến được cửa sông và đổ vào hồ Aral, nơi có hệ sinh thái rất phong phú. 

Khu dự trữ sinh quyển quốc gia Nizhne-Amudarya, một phần của mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO, sẽ là nơi đầu tiên bị tác động. Khu vực được bảo vệ này nằm ở phần phía bắc của hạ lưu sông Amu Darya, phía đông nam hồ Aral.

Vào cuối năm 2022, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev hứa sẽ hội đàm với lãnh đạo của Taliban và kêu gọi cộng đồng thế giới giải quyết vấn đề này. 

Nhưng sự phức tạp của tình hình nằm ở chỗ các nước cộng hòa ở Trung Á không có bất kỳ thỏa thuận nào về chia sẻ nguồn nước với Afghanistan. Chính quyền Taliban cũng chưa ký Công ước Liên hợp quốc về Bảo vệ và Sử dụng nguồn nước xuyên biên giới.

Ủy ban Liên bang về Điều phối Nước của các Quốc gia Trung Á (ICWC) cũng bất lực khi họ không có cơ chế pháp lý nào để giải quyết tình hình. Vẫn chưa thể đàm phán chính thức với chính quyền Kabul hoặc kết nạp Afghanistan vào ICWC vì Taliban vẫn được xem là một tổ chức khủng bố. 

Siêu dự án của Taliban có thể biến toàn bộ Trung Á thành sa mạc - 2

Bản đồ lưu vực hai sông chính Syr Darya và Amu Darya cung cấp nước cho toàn khu vực

Vào tháng 11/2022, những quốc gia tham gia ICWC tại thủ đô Ashgabat đã phê duyệt giới hạn lượng nước được rút nước cho từng quốc gia trong khu vực, để bảo đảm nguồn nước trồng trọt cho mùa không 2022 - 2023 tại lưu vực của hai con sông chính Syr Darya và Amu Darya.

Theo thỏa thuận, giới hạn rút nước khỏi lưu vực Amudarya lên tới 55,4 tỷ mét khối nước. Trong số này, Uzbekistan được hưởng nhiều nước nhất là 23,6 tỷ mét khối và Turkmenistan là 22 tỷ. Cuộc họp tiếp theo của ICWC sẽ được tổ chức tại Dushanbe vào tháng 4 năm nay.

Vào ngày 22/3, có thông tin cho rằng Taliban đã sẵn sàng thực hiện dự án xây dựng kênh Koshtepa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau với Uzbekistan. Điều này đã được tuyên bố bởi Mullah Abdul Ghani Baradar, Phó Thủ tướng chính phủ lâm thời Afghanistan, tại cuộc gặp với đại diện đặc biệt của Tổng thống Uzbekistan về Chính sách đối ngoại Abdulaziz Kamilov ở Kabul. 

Đại diện của Kabul cho biết, Uzbekistan bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các nhóm kỹ thuật của Afghanistan, nhằm nâng cao hiệu quả của dự án xây dựng kênh Kosh-Tepa cùng với các dự án cơ sở hạ tầng khác.

Ngoài ra, ông Abdul Ghani Baradara lưu ý rằng Afghanistan có quyền lấy nước từ sông Amu Darya theo các tiêu chuẩn quốc tế và hoàn toàn tôn trọng các đặc quyền của Afghanistan. Việc xây dựng kênh đào phải trên cơ sở tăng cường quan hệ song phương giữa hai nhà nước. 

Tuy nhiên kết quả từ cuộc gặp này vẫn chưa rõ ràng và tương lai nguồn nước cũng như cuộc sống của các quốc gia vùng Trung Á vẫn còn rất nhiều lo ngại. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến khu vực này tiếp tục rơi vào bất ổn nếu không được giải quyết hợp lý.

Hưng Lê
Bình luận
vtcnews.vn