Siêu doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng mất hút
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê, cho biết Công ty USC Interco đăng ký thành lập ngày 17/1 với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD hiện không còn tồn tại.
Lý giải về điều này, Tổng cục trưởng Thống kê cho hay luật quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp phải thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. Tuy nhiên, đã 90 ngày từ 17/1, USC Interco chưa góp đủ vốn.
Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã phân cấp cho các sở kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), phòng đăng ký kinh doanh địa phương. Khi thông tin về doanh nghiệp trên chuyển lên Bộ KH&ĐT, Cục Đăng ký kinh doanh đã rà soát, trao đổi lại với Sở KH&ĐT và phát hiện ra điểm bất cập, kịp thời chấn chỉnh. Ông Lâm cho rằng trường hợp về doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, để loại trừ những doanh nghiệp tạm gọi là “doanh nghiệp ma”.
Cuối tháng 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho một doanh nghiệp ở Hoài Đức có vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Khi cấp giấy chứng nhận, cán bộ đăng ký kinh doanh thấy bất thường vì số vốn quá lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định là không nhầm và cam kết sẽ góp đủ số vốn điều lệ này trong vòng 90 ngày theo đúng quy định.
Sự kiện sau đó còn gây xôn xao dư luận khi cổ đông của công ty này lại tiết lộ, thông tin nguồn vốn chỉ là do "ghi nhầm" và không có thật.
DOJI thâu tóm chuỗi Thế giới kim cương
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vừa hoàn tất việc mua lại Thế giới kim cương. Giá trị thương vụ này hiện chưa được tiết lộ, tuy nhiên được đánh giá thuộc "hàng khủng" do doanh thu của chuỗi Thế giới kim cương hiện ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Với hệ thống 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố của chuỗi này, DOJI sẽ nâng tổng số điểm bán đang sở hữu lên gần 200 sau khi tiếp quản.
Thế giới kim cương trước đó thông báo đóng các cửa hàng trên toàn hệ thống từ ngày 27/3 với lý do COVID-19 lan rộng. Đến 30/4, hệ thống này đã hoạt động trở lại và tung ngay chương trình khuyến mại cho các sản phẩm trang sức và kim cương.
"Đại gia" ngành bia rượu lỗ nặng
Trong tuần qua, thông tin các doanh nghiệp lớn công bố lỗ nặng sau đại dịch COVID-19 cũng khiến dư luận quan tâm. Theo đó, Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội – Habeco vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với khoản lỗ sau thuế 98,33 tỷ đồng, giảm 162 tỷ đồng so với cùng kỳ (quý I/2019 công ty này lãi 64 tỷ đồng).
Giải trình về khoản thua lỗ trên của công ty, Tổng Giám đốc - ông Ngô Quế Lâm cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giảm lợi nhuận quý I/2020 so với cùng kỳ chủ yếu do Habeco chịu ảnh hưởng lớn từ tác động kép về quy định sử dụng rượu bia (Nghị định 100) và đại dịch COVID-19, khiến sản lượng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ".
Theo đó, doanh thu thuần của Habeco chỉ đạt 774 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu và sản lượng giảm mạnh nhưng các chi phí trong kỳ của Habeco không thay đổi nhiều so với năm trước như các chi phí bán hàng là 185 tỷ đồng (giảm 4%), chi phí doanh nghiệp tăng lên 81 tỷ đồng. Một số chi phí còn tăng so với quý I/2019 như chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ, nhân viên bán hàng, quản lý....
Vietnam Airlines lỗ 2.600 tỷ đồng chỉ trong quý I
Kết quả kinh daonh hợp nhất quý I/2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy doanh thu giảm 26%, từ 25.500 tỷ xuống 18.800 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu vận tải hàng không giảm 20.700 tỷ xuống 14.400 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, đạt 240 tỷ nhưng chi phí tài chính tăng vọt 44% lên 1.100 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh lên gần 800 tỷ.
Dù đã tiết giảm 40% tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Vietnam Airlines vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 2.700 tỷ đồng.
Nhờ khoản thu nhập khác mà chủ yếu là thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, lỗ sau thuế của Vietnam Airlines còn 2.600 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỷ đồng của cả năm 2019.
Khó khăn bủa vây, Bầu Đức viết tâm thư gửi cổ đông
Bầu Đức gửi tâm thư tới cổ đông nói về việc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang nỗ lực để tạo ra lợi nhuận trong thời gian tới. Người đứng đầu HAGL giải thích, do HAGL đang trong giai đoạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng nên phát sinh các khoản lỗ do chi phí chuyển đổi vườn cây và chi phí thanh lý các tài sản gắn liền với vườn cây cũ, trong khi hơn một nửa diện tích cây ăn trái đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản. Các khoản lỗ này sẽ giảm dần và HAGL sẽ nỗ lực để chuyển sang trạng thái có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất.
Trong quý 1/2020, HAGL lỗ 78,2 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lãi 21,5 tỷ đồng. HAGL thua lỗ khi doanh thu tăng mạnh. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ tăng 426 tỷ đồng, tương đương 104% lên 836 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng rất mạnh, từ 325 tỷ đồng lên 552 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng 198 tỷ đồng, tương đương 233% lên 283 tỷ đồng.
Trong kỳ, HAGL vẫn nỗ lực tiết kiệm, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm từ 360 tỷ đồng xuống 324 tỷ đồng và từ 166 tỷ đồng xuống 199 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh, tăng từ 38 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do đại dịch COVID-19 nên hoạt động vận chuyển gặp nhiều khó khăn hơn, từ đó tăng chi phí cho HAGL.
Kết quả là hoạt động kinh doanh khiến công ty lỗ 65 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số lỗ 252 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong quý 1/2019, HAGL có lợi nhuận khác lên đến 272 tỷ đồng nên công ty đạt được lợi nhuận dương. Còn năm nay, hoạt động khác khiến HAGL lỗ gần 15 tỷ đồng nên kết quả là HAGL lỗ 78,2 tỷ đồng.
HAGL đề ra mục tiêu cho năm 2020 là duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái đang có, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Bình luận