(VTC News) – Chỉ trong vòng 15 ngày Việt Nam đã hứng chịu ba cơn bão lớn, trong đó bão Utor được đánh giá là hiếm gặp, sức tàn phá lớn.
Hồi 04 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Không loại trừ khả năng siêu bão sẽ bẻ nhánh vào miền Bắc nước ta. Ảnh: Nchmf |
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 04 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102km một giờ), giật cấp 11 cấp 12.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chiều 12/8, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, trưa qua (12/8), sau khi đi qua đảo Luzon (Philippines), siêu bão Utor vào biển Đông và trở thành cơn bão số 7 từ đầu năm tới nay ở vùng biển này.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho rằng đây là cơn bão mạnh hiếm gặp. |
Ông Hải dự đoán có khoảng 30% xác suất bão sẽ bẻ hướng vào Vịnh Bắc Bộ. Điều đáng lo là vùng ảnh hưởng sẽ bao trùm hết vùng biển đông bắc nước ta và một phần tỉnh Quảng Ninh. Còn gió cấp 6 sẽ bao phủ hết toàn vịnh Bắc bộ, khu các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn...
Chiều 12/8, Văn phòng Cục Quản lý đê điều và PCLB khu vực miền Trung-Tây nguyên cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết trên biển Đông, các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã nhận và triển khai Công điện khẩn của số 45/CĐ-TW, hồi 8 giờ 30 ngày 11/8/2013 của Ban chỉ đạo PCLBTW-UBQG TKCN về công tác chủ động ứng phó với diễn biến siêu bão Utor trên biển Đông.
Cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có công điện khẩn về công tác chủ động triển khai ứng phó với bão Utor.
Trước diễn biến phức tạp của bão, Ban chỉ huy PCLB&TKCN và Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã thông báo và hướng dẫn cho 45.114 tàu/187.101 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão Utor để chủ động phòng tránh.
Bình luận