• Zalo

Siết tín dụng, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng có giảm?

Kinh tếThứ Hai, 09/09/2019 11:36:00 +07:00Google News

Lĩnh vực bất động sản bị siết vốn, dư nợ bất động sản tại nhiều ngân hàng đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao.

Theo Báo cáo tài chính bán niên 2019, nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước gồm BIDV, VCB, Vietinbank không công bố chi tiết dư nợ cho vay khách hàng phân theo ngành nghề kinh doanh; nhóm còn lại có 12/17 ngân hàng công bố chi tiết phân loại nợ.

Cụ thể, 11 ngân hàng gồm VPBank, Techcombank, Sacombank, MBB, ACB, HDBank, SHB, EIB, Nam A Bank, Saigon Bank, Kienlong Bank có dư nợ cho vay khách hàng kinh doanh bất động sản đạt hơn 157.000 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng trưởng bình quân 10,2% so với đầu năm.

cho-vay-bat-dong-san-nup-bong-tin-dung-tieu-dung-tach-hay-giu_182213823

 Siết tín dụng, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng có giảm?

Theo đó, tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank là 19,6%. Nếu loại trừ phần cho cá nhân vay mục đích để mua bất động sản, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của VPBank chỉ ở mức 10,7%. 6 tháng đầu năm dư nợ cho vay bất động sản của VPBank 48.472 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Techcombank cho thấy dư nợ cho vay kinh doanh BĐS đạt mức 26.723 tỷ đồng.

Sacombank cũng có số dư cho vay lĩnh vực BĐS (bao gồm cả cho vay cá nhân mua BĐS) đạt 30.853 tỷ đồng.

Bên cạnh một số ngân hàng có dư nợ cho vay BĐS lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, ở nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ, dư nợ cho vay khá thấp như tại NamABank chỉ là 4.658 tỷ đồng.

Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018, trong đó tín dụng kinh doanh BĐS là 473,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; tín dụng tiêu dùng BĐS là 919,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%.

Dù dư nợ cho vay BĐS của toàn ngành đã giảm mạnh so với trước đây, song theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng trưởng dư nợ cho vay BĐS ở các ngân hàng hiện nay chỉ nên duy trì ở mức 5-7% để ngân hàng có thể sàng lọc những dự án tốt, chủ đầu tư dự án cho vay có khả năng tài chính, chọn dự án có vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng đầy đủ; chọn khu vực và dự án được thiết kế và xây dựng phù hợp với phong cách quốc tế; chọn các dự án đang được thiết kế và xây dựng theo mô hình thành phố thông minh. Chỉ có như vậy mới giảm thiểu được rủi ro.

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước siết tăng trưởng tín dụng là hợp lý, bởi tín dụng bị siết lại, cộng với lãi suất tăng thì chắc chắn đó là “liều thuốc độc” cho giới kinh doanh đầu cơ BĐS.

Việc giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực BĐS từ  40-45% hiện nay xuống còn khoảng 35% là điều hợp lý vì các nước trên thế giới hiện nay chỉ dùng nguốn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn khoảng 25%.

Tuy vậy, việc siết tín dụng đổ vào BĐS không đồng nghĩa với việc cấm. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Các tổ chức tín dụng không thiếu vốn và cũng không dừng cho vay bất động sản, mà sẽ chỉ cho vay những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ, thủ tục... Chủ đầu tư có đất sạch, có khả năng sinh lợi nhuận thì ngân hàng sẵn sàng cho vay”.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn