Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, mặt bằng lãi suất bất động sản thời gian qua có xu hướng tăng và có thể còn tiếp diễn tăng trong thời gian tới.
Có 3 nguyên nhân chính khiến mặt bằng lãi suất có thể tăng. Một là, thời gian qua, huy động vốn tăng chậm hơn so với tín dụng nên đây là thời điểm các ngân hàng tăng cường huy động để cân đối và đảm bảo thanh khoản nhất là dịp cuối năm.
Thứ hai, các ngân hàng đang tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn để một mặt đáp ứng yêu cầu thông thư 06 (từ tháng 1/2019 chỉ được dùng 40% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thay vì 45 % như hiện nay).
Thứ ba, mặt bằng lãi suất USD đã tăng trong thời gian vừa qua và còn tăng trong năm tới (do ngân hàng Trung ương các nước nhất là FED đang tăng lãi suất), tạo áp lực lên lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.
"Xu thế tăng lãi suất này có thể sẽ khiến lãi suất cho vay bất động sản tăng theo (ở mức nhẹ, trừ khi cơ quan quản lý thay đổi chính sách quy định về trọng số rủi ro). Tuy nhiên, tôi hy vọng thị trường bất động sản sẽ thu hút nhiều dòng vốn khác", ông Cấn Văn Lực nhận định.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, việc thắt chặt tín dụng nói chung và vào thị trường bất động sản năm 2019 có những tác động nhiều chiều đối với các nhà kinh doanh bất động sản thì đây là điều bất lợi vì chi phí vốn tăng qua việc lãi suất cho vay bất động sản tăng.
Đối với người mua nhà thì đó cũng không phải là điều tích cực vì lãi suất tăng sẽ hạn chế khả năng trả nợ của người dân khi mua nhà, chính vì thế nhiều người có thể không có khả năng mua nhà hoặc mua được thì cũng vất vả trả nợ.
Tuy nhiên, trên phương diện vĩ mô thì việc thắt chặt cho vay và đặc biệt cho vay bất động sản hạn chế rủi ro bong bóng bất động sản.
"Theo kinh nghiệm của tôi, bong bóng bất động sản thường xảy ra khi các ngân hàng dễ dàng cho vay với lãi suất thấp và từ đó rủi ro bong bóng xuất hiện", ông Hiếu nhận định.
Ở chiều ngược lại, khi tín dụng bất động sản bị thắt chặt và lãi suất cao bắt buộc các nhà kinh doanh bất động sản phải hạn chế hoạt động kinh doanh bất động sản của mình. Ngay cả người mua bất động sản khi đi vay sẽ rất tính toán trong việc vay ngân hàng vì lãi suất cao.
Điều này làm cho thị trường bất động sản sẽ phát triển chậm nhưng có độ ổn định cao và tránh được bong bóng bất động sản.
"Kết luận của tôi là, tín dụng bất động sản sẽ bị siết chặt trong năm 2019 nhưng đó là điều cần thiết để thị trường bất động sản không rơi vào bong bóng bất động sản", ông Hiếu nhấn mạnh.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2019, bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group đánh giá, thị trường bất động sản trong năm 2019 tại TP.HCM sẽ không sôi động hoàn toàn nhưng cũng sẽ không có việc đi xuống, mà sẽ đi ngang.
Ngoài ra, thị trường sẽ đứng trước nhiều thách thức, trước hết là do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp và phân khúc nhà ở bình dân.
Phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, phát triển bền vững của thị trường và có tính thanh khoản cao nhất.
Phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức rất lớn.
Còn lại, sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, các dự án sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Phân khúc condotel sẽ tiếp tục xu thế chững lại và giá cả hợp lý hơn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT HD Mon Holdings thì cho rằng, sang năm 2019, nhà ở dành cho đại đa số người dân, những người có thu nhập thấp sẽ dẫn đầu thị trường.
Với dân số hơn 90 triệu dân của cả nước, tính sở hữu của đại đa số người dân Việt Nam lại cao, đặc biệt là người dân tỉnh lẻ có con em học, làm việc tại các thành phố lớn thì nhu cầu nhà ở của nhóm này chỉ tăng chứ không giảm.
Thị trường trung cấp đang bão hòa, nên đầu tư vào thị trường này phải tùy vị trí vì thị trường có nguồn cung lớn.
Về phân khúc cao cấp, đây là thị trường nhỏ nhưng tiềm năng cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp có khả năng tài chính dồi dào.
Về condotel, thị trường thời gian qua đã bão hòa với hàng loạt dự án mở bán tại nhiều địa phương trên cả nước.
"Tuy nhiên, theo đánh giá, ở một số các thị trường mới tiềm năng như Vân Đồn, Sapa vẫn sẽ phát triển. Đặc biệt là Vân Đồn, thời gian qua chưa có dự án nào được công bố", ông Tuấn nhận định.
>>> Đọc thêm: Cuối năm có nên đầu tư nhà ở Hà Nội và TP.HCM?
Bình luận