HoREA đưa ra kiến nghị trên sau khi nghiên cứu dự thảo quyết định thay thế Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM trình UBND thành phố phê duyệt.
Tuy nhất trí với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đối với thửa đất ở có diện tích lớn từ 2.000 m2 trở lên thì chủ đất phải lập dự án đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở, nhưng HoREA cho rằng để góp phần hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 33, cần phải bổ sung khoản 1 (mới) vào điều 5 quy định: "Tách thửa đất ở có diện tích từ 2.000 m2 trở lên thì người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và các quy định pháp luật có liên quan".
HoREA kiến nghị tiêu chuẩn diện tích tối thiểu sau tách thửa Quyết định 33 và dự thảo lần này đều có sự phân biệt diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với thửa đất ở có nhà ở hiện hữu, đối với thửa đất ở chưa có nhà ở. Theo HoREA, không cần thiết phân biệt diện tích thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa là thửa đất đã có nhà ở, hoặc thửa đất chưa có nhà ở, mà nên áp dụng một tiêu chuẩn diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất ở.
Video: Điểm mặt các dự án bỏ hoang nghìn tỷ đồng ở Hà Nội
Do vậy, HoREA đề nghị UBND quận, huyện, UBND phường, xã, thị trấn có biện pháp kiểm soát tình trạng đầu nậu hoặc doanh nghiệp nấp bóng chủ đất để thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản thông qua tách thửa đất ở, và hướng các đầu nậu này thành lập doanh nghiệp để quản lý.
“Trong thời gian qua, có hiện tượng đầu nậu hoặc doanh nghiệp nấp bóng chủ đất để hoạt động kinh doanh bất động sản thông qua tách thửa đất ở, thậm chí đã có cả việc khai thấp giá trị giao dịch để tránh nộp nhiều thuế. Các đầu nậu này thực sự có hoạt động kinh doanh bất động sản thường xuyên, liên tục, nhưng nấp bóng chủ đất, không thành lập doanh nghiệp nên cơ quan chức năng không quản lý được, nhà nước bị thất thu thuế”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết.
HoREA cũng vừa có văn bản kiến nghị lên một số cơ quan Trung ương sửa đổi một số điều liên quan đến Luật Đất đai 2013.
Một trong những nội dung quan trong mà HoREA kiến nghị là bổ sung chủ thể "cá nhân nước ngoài" là người sử dụng đất có thời hạn tối đa không quá 50 năm sau khi đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo HoREA, điều 5 Luật Đất đai không có quy định chủ thể sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài". Trong lúc Luật Nhà ở đã cho phép cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, được sở hữu nhà trong thời hạn tối đa không quá 50 năm, và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, trong đó có quyền sử dụng đất ở.
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị bổ sung chủ thể người sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài" trong thời hạn được sở hữu nhà tại Việt Nam vào điều 5 Luật Đất đai. Hiệp hội cũng kiến nghị bổ sung thêm 01 điều vào Mục 4 Chương 11 Luật Đất đai quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài" để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bình luận