Theo hãng thông tấn RT, một game thủ được cho là sĩ quan thiết giáp đang phục vụ trong quân đội Anh đã có quyết định khá sốc khi cho rằng việc giữ bí mật quốc gia ít quan trọng hơn việc chứng minh với công ty sản xuất game họ đã sai. Theo người này, thông số kỹ thuật của xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 được giới thiệu trong một trò chơi không đúng với thực tế.
Được biết, Challenger 2 hiện là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Anh.
Sự việc tưởng như đùa trên diễn ra vào thứ 4 tuần này trên diễn đàn của 'War Thunder', một trò chơi trực tuyến cho phép người chơi điều khiển nhiều mẫu xe tăng khác nhau giống như ngoài đời thực. Những tựa game như thế này luôn thu hút sự chú ý của những người chơi đam mê xe tăng và nhà phát hành luôn hướng tới việc thiết kế các mẫu xe chi tiết nhất có thể.
Có vẻ như game thủ của War Thunder đã vi phạm Đạo luật bí mật chính thức của nước Anh, khi để lộ một phần sách hướng dẫn kỹ thuật dành cho xe tăng Challenger 2 vẫn đang được lưu hành trong quân đội Anh. Viên sĩ quan người Anh quyết định công khai tài liệu này chỉ để cho nhà phát triển War Thunder thấy rằng họ đã sai khi đưa ra thông số kỹ thuật có phần không đúng về Challenger 2.
Vụ rò rỉ tài liệu trên nhanh chóng xuất hiện trong một bài viết của Tạp chí quốc phòng Vương quốc Anh hôm thứ 6. Thậm chí, bài viết còn cho biết người để lộ tài liệu mật là một chỉ huy xe tăng Challenger 2 và có thể đang phục vụ tại trung đoàn xe tăng hoàng gia ở Tidworth, Anh.
Đội ngũ quản trị viên diễn đàn War Thunder đã liên hệ với Bộ quốc phòng Anh về trường hợp này và nhận được bức thư viết tay xác nhận cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật Challenger 2 thực chất đã được phân loại, và nằm trong mục tài liệu mật. Phía Anh cũng cảnh báo rằng người phát tán tài liệu trên có thể bị kết án tới 14 năm tù nếu bị truy tố.
Những hình ảnh về phần sách hướng dẫn kỹ thuật dành cho xe tăng Challenger 2 sau đó đã được xóa khỏi diễn đàn War Thunder.
Bộ Quốc phòng Anh hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin này.
Điều khá trớ trêu là War Thunder được phát triển và xuất bản bởi Gaijin Entertainment, một công ty được cho là của Nga nhưng có trụ sở chính ở Budapest (Hungary). Dĩ nhiên ban giám đốc của công ty này có cả các công dân Nga.
Các trò chơi trực tuyến hiện nay luôn đòi hỏi độ chính xác nhầm cải thiện trải nghiệm cho người dùng là việc dễ hiểu nhưng việc theo đuổi điều này một cách thái quá có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây không phải là lần đầu tiên các tài liệu quân sự bị lộ ra ngoài vì các trò chơi kiểu này.
Trước đó, vào năm 2019, Oleg Tishchenko - một công dân Nga đã bị truy tố ở Mỹ vì cố gắng mua tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho tiêm kích F-16 trên eBay, theo như Tishchenko phân trần chỉ đang cố gắng giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn trong trò chơi do ông này phát triển. Sau khi thi hành xong án tù 12 tháng, Tishchenko đã bị trục xuất khỏi Mỹ.
Bình luận