• Zalo

'Shipper huyền thoại' ở Trung Quốc nghỉ hưu: Từ tay trắng đến mua nhà thành phố

Tư liệuThứ Sáu, 12/01/2024 11:35:03 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau nhiều năm gắn bó với nghề shipper, ông Kim Nghi Tài đã có thể mua xe, sở hữu nhà ở thành phố và nghỉ hưu với một khoản tiền tiết kiệm khá khẩm.

Ngày nay, nghề chuyển phát nhanh - hay còn gọi là "shipper" - đã trở thành một nghề không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, nhiều công ty không ngừng cải thiện mức lương và đảm bảo phúc lợi cho những người chuyển phát nhanh và ngày càng nhiều shipper gắn bó với nghề cho đến khi nghỉ hưu.

Ngày 11/1, cụm từ khóa “Shipper Jingdong số 001 nghỉ hưu” đã trở thành chủ đề nóng trên các trang tìm kiếm và nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

Nhân vật chính được đề cập là ông Kim Nghi Tài, được mệnh danh là "shipper huyền thoại" mang số hiệu 001 của công ty thương mại điện tử Jingdong ở thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc).

Kim Nghi Tài (phải) nhận bảng vinh danh trong ngày làm việc cuối cùng ở Jingdong Vô tích. (Ảnh: Nhật báo Bắc Kinh)

Kim Nghi Tài (phải) nhận bảng vinh danh trong ngày làm việc cuối cùng ở Jingdong Vô tích. (Ảnh: Nhật báo Bắc Kinh)

Kim Nghi Tài cho biết ông vốn là một "công nhân nhập cư" đến từ Tuyên Thành (tỉnh An Huy), đến Vô Tích để tìm kiếm cơ hội việc làm vào năm 2009 và gia nhập Jingdong "khi đang tuyệt vọng".

Ông nói: "Ngay sau khi gia nhập, công ty đã cấp cho tôi mã số công việc 001. Sau đó, tôi nhiều lần được đánh giá là nhân viên xuất sắc. Thậm chí, tôi còn từng được gặp ông Lưu (tỷ phú Lưu Cường Đông, người đồng sáng lập Jingdong) ở Bắc Kinh".

Kim chia sẻ thêm rằng khi mới vào Jingdong, ông chỉ có hai bàn tay trắng. Hiện tại, ông ấy đã mua được nhà, ô tô cùng một khoản tiền tiết kiệm khá khẩm. Khi Kim nghỉ hưu, các đồng nghiệp và cả lãnh đạo chi nhánh cũng đích thân tặng quà đưa tiễn. "Không có Jingdong thì sẽ không có tôi như ngày hôm nay", ông nói.

Năm 2009, khi Jingdong mở rộng thị trường ở Vô Tích, Kim Nghi Tài tình cờ là người đầu tiên gia nhập công ty, khi đó số lượng shipper của Jingdong ở Vô Tích như đếm trên đầu ngón tay.

Vốn hay lang bạt ngoài đường nên Kim rất thông thạo đường phố ở Vô Tích và bắt nhịp rất nhanh với công việc mới.

Trong ấn tượng của Kim, việc chuyển phát nhanh mười năm trước khó khăn hơn rất nhiều so với ngày nay. Khi đó, ông luôn phải mang theo chiếc máy quẹt thẻ nặng 1,5 kg để cho khách thanh toán tại nhà, giao dịch chủ yếu là tiền mặt nên ông thường mang theo hàng chục nghìn nhân dân tệ tiền mặt trong ba lô, "khiến tâm trạng luôn thấp thỏm, lo lắng".

Trong hai năm đầu tiên, mỗi ngày chỉ có hơn 10 đơn hàng được giao, mỗi đơn đều phải di chuyển hàng chục cây số, phần lớn là điện thoại di động, máy tính và các sản phẩm kỹ thuật số khác. Ngày nay, Kim Nghi Tài và các đồng nghiệp mỗi người giao hơn 100 đơn mỗi ngày với đủ thể loại hàng hóa khác nhau.

Trong 15 năm qua, Kim nhiều lúc đã nghĩ đến chuyển bỏ nghề vì những áp lực "khó hiểu" từ khách hàng, nhưng mỗi lần dừng xe trước cửa công ty, ông đều không nỡ. Theo chia sẻ của Kim, công việc trước đây của ông luôn cảm thấy như "kẻ lang thang ngoài đường". Khi vào Jingdong, ông có cảm giác "như một gia đình". Ở công ty Kim là người anh cả đáng kính của đồng nghiệp, còn ở ngoài ông là người bạn tin cậy của khách hàng.

Ngoài việc ngày càng có được nhiều sự tin tưởng và kính trọng từ bạn bè, đồng nghiệp, cuộc sống của Kim Nghi Tài cũng có những thay đổi lớn. Thu nhập của ông đã tăng lên gấp nhiều lần từ khi mới vào nghề cho đến lúc nghỉ hưu, đồng thời ông cũng được hưởng 5 khoản bảo hiểm cùng 1 khoản hỗ trợ nhà ở do công ty chi trả.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề shipper, Kim Nghi Tài có thể mua nhà, mua xe và định cư ở thành phố. (Ảnh: Douyin)

Sau nhiều năm gắn bó với nghề shipper, Kim Nghi Tài có thể mua nhà, mua xe và định cư ở thành phố. (Ảnh: Douyin)

4 năm sau khi gia nhập Jingdong, Kim mua căn nhà đầu tiên ở Vô Tích và chuyển cả gia đình đến đây. Qua nhiều năm, hai con trai của Kim đã trưởng thành, kết hôn và lập gia đình, ông cũng mua thêm một căn nhà ở thành phố Nam Kinh.

"Có nhà, có xe, định cư ở thành phố. Tôi cảm thấy rất hài lòng vì chúng tôi, những người xuất thân từ nông thôn lại có thể có được cuộc sống như vậy", người đàn ông 60 tuổi chia sẻ.

Trong những năm qua, các công ty chuyển phát nhanh do Jingdong đại diện tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc tạo công viện và ổn định việc làm cho nhiều người lao động Trung Quốc.

Theo Nhật báo Bắc Kinh, Jingdong là một trong số ít các công ty logistics ký hợp đồng lao động chính thức với nhân viên tuyến đầu và đóng đủ 5 loại bảo hiểm cùng 1 khoản hỗ trợ nhà ở cho người lao động.

Việc đảm bảo lương và phúc lợi toàn diện của Jingdong giúp nhân viên tuyến đầu, đặc biệt là những shipper không phải bận tâm về cuộc sống, qua đó giúp họ phát triển ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm nghề nghiệp và bản sắc doanh nghiệp.

Tại Hội nghị Công tác Quản lý Bưu chính Quốc gia ngày 9/1, Giám đốc Bưu điện Nhà nước Trung Quốc Triệu Trọng Cửu cho biết, năm 2024, Trung Quốc sẽ nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà chuyển phát. Với sự nỗ lực không ngừng của việc xây dựng hệ thống, cơ chế và ngành, nghề shipper sẽ được bảo vệ nhiều hơn và góp phần không ngừng hoàn thiện hệ thống logistics hiện đại ở nước này.

Hoa Vũ(Nguồn: Nhật báo Bắc Kinh)
Bình luận
vtcnews.vn