Mới đây, dư luận xôn xao vì hình ảnh sách giáo khoa (SGK) Lịch sử lớp 7 của NXB Giáo dục có trang bìa in hình Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) mặc dù bìa sách này từng được đưa vào sử dụng toàn quốc khoảng năm 2003.
Nhiều người cho rằng, Việt Nam và Thế giới không thiếu các hình ảnh lịch sử tiêu biểu và không cần thiết phải in hình Vạn Lý Trường Thành lên bìa SGK lớp 7. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, bìa sách này là hoàn toàn bình thường không có gì đáng bàn cãi bởi đây là một công trình tiêu biểu của nhân loại nói chung và của người Trung Quốc nói riêng.
Với góc độ là một giáo viên Lịch sử, thầy giáo Trần Trung Hiếu, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
"Sáng nay (15/8), một số phóng viên báo chí liên lạc với tôi hỏi về hình ảnh Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc được trình bày trên bìa của SGK Lịch sử lớp 7. Hình ảnh này có gì sai không?
Với góc độ là giáo viên Lịch sử, xin được cùng chia sẻ đôi điều sau.
Thứ nhất, một thực tế rất nhiều năm qua, tâm lý chung của nhiều người khi nhắc đến tên "Trung Quốc" và những "sản phẩm" của họ khi được "nhập khẩu" vào nước ta, từ kinh tế đến văn hóa, tư tưởng với nhiều cụm từ, danh từ, động từ, tính từ rất thiếu thiện cảm và thân thiện.
Đó là 1 sự thật và sự thật phũ phàng đó đều có cơ sở qua lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của người Việt. Tư tưởng "ghét Tàu", "bài Tàu" của nhiều người dân gần như đã ăn sâu vào tiềm thức và máu thịt qua nhiều thế hệ, đã lan tỏa, đi sâu vào tận chốn làng quê đất Việt.
Điều này dễ dàng lý giải cho tâm lý, tư tưởng thiếu công bằng, khách quan đến mức cực đoan của đa số người dân Việt Nam hiện nay khi hành xử với những gì mang thương hiệu Trung Quốc.
Thứ hai, hình ảnh công trình kiến trúc Vạn Lý Trường Thành trên bìa SGK Lịch sử lớp 7 hiện hành không có gì là sai, là nhạy cảm hay phản cảm. Cuốn SGK này không phải mới xuất bản mà đã đưa vào trong việc học và dạy học môn Lịch sử từ năm 2003.
Nhiều năm qua, bìa của các cuốn sách Lịch sử bậc phổ thông đều được trình bày bởi các hình ảnh tiêu biểu nhất cho không gian, thời gian của các kiến thức, sự kiện lịch sử nổi bật từ thế giới đến Việt Nam.
Cấu trúc, nội dung kiến thức của cuốn sách này trình bày 2 phần: Lịch sử cổ - trung đại của Thế giới và Việt Nam. Hình ảnh Vạn Lý Trường Thành , xét về góc độ khoa học chỉ đơn thuần là biểu trưng cho một trong những công trình kiến trúc nổi bật của nền văn minh nhân loại thời cổ đại (được thế giới ghi nhận, xếp hạng) được trình bày trong cuốn SGK này.
Nếu như nói Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu thời trung đại, xứng đáng là biểu trưng cho văn hóa, giáo dục, biểu trưng cho phần kiến thức lịch sử Việt Nam thì công trình kiến trúc Vạn Lý Trường Thành cũng xứng đáng cho kiến trúc tiêu biểu của Thế giới cổ đại, biểu trưng cho phần kiến thức lịch sử Thế giới trong cuốn sách này.
Thứ ba, trong nhận thức lịch sử và cuộc sống, chúng ta nên có cách nhìn nhận công bằng, khách quan với tất cả những gì đến từ Trung Quốc. Chúng ta lên án những âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam; phơi bày nhiều hành động của các doanh nghiệp Trung Quốc khi thi công, sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam nhưng xem thường pháp luật sở tại, gây ô nhiễm môi trường.
Chúng ta cần cảnh báo và cẩn trọng khi mua hay sử dụng những sản phẩm chất lượng kém, độc hại bởi các chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản từ hóa chất độc hại đến sức khỏe của người tiêu dùng....Cái gì dở và xấu của họ, ta nên tránh, thậm chí tẩy chay nó bằng nhiều cách.
Nhưng cái hay và tốt của họ ta phải thừa nhận và học hỏi. Thời cổ đại, họ có 4 phát minh cho nhân loại gồm giấy, nghề in, la bàn và thuốc súng. Những phát minh đó góp phần quan trọng làm thay đổi thế giới. Người châu Âu học hỏi họ để biến những phát minh đó và làm nên một nền văn minh châu Âu ngày nay.
Vậy tại sao người Việt lại không?
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa của nền văn minh 4.0, khi chúng ta ở bên cạnh một siêu cường kinh tế thế giới, khi sự hợp tác và tương tác với họ vì sự ổn định và phát triển về kinh tế - xã hội, vì sự đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia dân tộc, chúng ta phải luôn tỉnh táo và cảnh giác.
Trong lịch sử, chúng ta từng mất nước vì họ. Bây giờ, chủ quyền quốc gia dân tộc của chúng ta đã, đang và sẽ bị đe dọa bởi họ nếu không "tỉnh" và "cảnh".
Chúng ta luôn phải cảnh tỉnh. Bài học mất nước từ thời An Dương Vương vẫn còn nguyên giá trị. Trách nhiệm của các giáo viên Lịch sử là giúp các học sinh tường minh về điều đó".
Bình luận