Đứng đầu các doanh nghiệp lớn, mức thù lao của các sếp cao ngất ngưởng, người ít thì vài chục triệu đồng, có người phải tính tiền tỷ mỗi tháng.
Petrolimex và EVN là những cái tên chưa bao giờ hết nóng, nên mức thù lao của các vị lãnh đạo “tối cao” của hai doanh nghiệp này luôn khiến người ta tò mò.
Sau khi Tổng giám đốc của EVN, ông Phạm Lê Thanh cho hay, lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng và chia sẻ "rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó" thì mức thù lao của các vị lãnh đạo này cũng được mang ra “mổ xẻ”.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tổng thu nhập của người lao động sản xuất, kinh doanh điện năm 2008, 2009 và 2010 lần lượt là 5,929 triệu đồng; 7,308 triệu đồng và 7,628 triệu đồng.
Tính riêng năm 2010, lương trung bình ở công ty mẹ là 14,105 triệu đồng, khối truyền tải là 11,103 triệu đồng, khu vực phát điện là 10,387 triệu đồng và đơn vị phân phối điện là 6,765 triệu đồng. Riêng các thành viên trong Hội đồng quản trị của EVN hưởng lương bình quân 37 triệu đồng. Người có lương cao nhất của EVN chính là ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN lên đến 51 triệu đồng mỗi tháng.
Sau EVN, mức lương đáng mơ ước của ông Chủ tịch Tập đoàn “lỗ nghìn tỷ” Petrolimex cũng được tiết lộ.Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex
Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng xác nhận, số lỗ năm 2011 của Petrolimex là 1.423 tỷ đồng, lương của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex là 58 triệu đồng/tháng, năm 2010 là 70,7 triệu đồng/tháng.
Như vậy, hai Tập đoàn kinh doanh thua lỗ nhất nhì cả nước nhưng mức lương vẫn cao ngất ngưởng.
Một trong những phụ nữ quyền lực đứng trong “top” những người nhận lương “khủng” là bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Theo báo cáo tại cuộc họp Đại hội cổ đông của PNJ năm 2011, lương và trợ cấp của bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ năm 2011 là 111 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, CEO này còn nhận tiền thưởng tương đương 2,5 tháng lương. Tổng thu nhập của bà Dung khi làm CEO là gần 1,6 tỷ đồng (lương và thưởng).Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ
Tờ trình cũng nêu rõ thù lao của chủ tịch HĐQT công ty năm 2011 là 10 triệu đồng một tháng, phó chủ tịch được nhận 7 triệu đồng và các thành viên khác là 5 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của bà Dung khi đảm nhiệm cả 2 chức vụ chủ tịch và CEO PNJ là 121 triệu đồng một tháng, cộng thưởng 2,5 tháng lương sẽ tương đương hơn 1,7 tỷ đồng một năm.
Mặc dù con số 240 triệu đồng/tháng là niềm mơ ước của hàng triệu người nhưng đối với bầu Đức chỉ là “thu nhập tượng trưng” và “không đáng quan tâm”.
Ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Hoàng Anh Gia Lai cho biết: "Công ty ký hợp đồng lao động với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) với mức thù lao tháng khoảng 240 triệu đồng". Nếu tính theo năm, thù lao cho chức vụ Chủ tịch của bầu Đức là 2,88 tỷ đồng".Mức lương 240 triệu đồng/tháng chỉ là thu nhập tượng trưng của bầu Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản 4.348 tỷ đồng (thời điểm 31/12). Cùng năm, giá cổ phiếu HAG rớt mạnh làm tài sản cổ phiếu của ông chủ CLB bóng đá phố núi giảm khoảng 7.530 tỷ đồng so với cuối 2010.
Tính đến thời điểm này, vị trí “quán quân” về mức lương “khủng” vẫn thuộc ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên Tổng giám đốc Techcombank với mức 20 tỷ đồng mỗi năm khi còn đảm nhiệm vị trí CEO của ngân hàng này.
Ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên Tổng giám đốc Techcombank nhận lương 20 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Đức Vinh được cho là "đầu tàu" quan trọng trong sự phát triển của Techcombank nhưng ông đã tự động rút lui khỏi ngân hàng này kể từ tháng 7/2012.
Dưới "thời" của ông Vinh, Techcombank tăng trưởng khá ấn tượng cả về tổng tài sản và doanh thu, thường đạt trên 30%. Trước đó, ông từng là Phó Tổng giám đốc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Năm 2005, ông Vinh từng là người được Bộ Tài chính chọn đứng đầu đoàn đàm phán với Tập đoàn Temasek (Singapore) trong thương vụ đầu tư vào Pacific Airlines.
Rời khỏi Techcombank sau 12 năm gắn bó, ông Vinh về đầu quân cho VPBank và trở thành Tổng giám đốc của ngân hàng này kể từ 4/7/2012.
Theo Kiến thức
Bình luận