• Zalo

Sếp Kinh Đô sẽ là thị trưởng tại Mỹ thay Phạm Đình Nguyên?

Kinh tếThứ Hai, 30/06/2014 07:58:00 +07:00Google News

Luôn tránh trả lời trực diện về tỷ lệ sở hữu Phin Deli, nhưng lãnh đạo công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam cho hay, Kinh Đô đang giữ quyền chi phối Phin Deli.

Luôn tránh trả lời trực diện về tỷ lệ sở hữu Phin Deli, nhưng lãnh đạo công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam cho hay, Kinh Đô đang giữ quyền chi phối Phin Deli.

Năm 2012, tại thị trấn Buford đã diễn ra một buổi đấu giá có một không hai, khi thứ được đưa ra đấu giá là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ mà người ta vẫn gọi là nơi “khỉ ho cò gáy”. Người thắng buổi đấu giá là Phạm Đình Nguyên, với mức giá đưa ra là 900.000 USD. Sau khi sở hữu Buford, Phạm Đình Nguyên nghiễm nhiên trở thành thị trưởng của thị trấn có 1 công dân.
Liệu có khả năng, lãnh đạo Kinh Đô sẽ thay ông Phạm Đình Nguyên làm thị trưởng của “thị trấn cà phê Việt” tại Mỹ? 

Năm 2013, Buford được đổi tên thành Phin Deli, nhằm quảng cáo thương hiệu của chủ nhân, với ý nghĩa ly cà phê ngon, một từ ghép giữa Phin là công cụ pha độc đáo của cà phê Việt và Deli là viết tắt của Delicious, có nghĩa là ngon.

Ngày 30/6/2014, tại Đại hội cổ đông của công ty CP Kinh Đô (Mã: KDC), mặc dù luôn tránh trả lời trực diện về tỷ lệ sở hữu Phin Deli, nhưng lãnh đạo công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam cho biết, Kinh Đô đang giữ quyền chi phối công ty này.

Điều này cũng có nghĩa, Kinh Đô không chỉ sỡ hữu thương hiệu cà phê Phin Deli mà còn sở hữu gián tiếp thị trấn Phin Deli của Mỹ.

Quay trở lại việc đổi tên thị trấn Mỹ thành cái tên đầy kiêu hãnh của một thương hiệu cà phê, Phin Deli công bố trên trang chính thức của mình như sau: “Chúng tôi là thương hiệu Phin Deli với sứ mệnh là đem đến cho khách hàng những tách cà phê Việt đúng nghĩa - vừa có hương vị độc đáo và vừa an toàn tuyệt đối.

Hôm nay, chúng tôi chính thức giới thiệu “Tuyên ngôn cà phê Việt” ngay trên thị trấn Mỹ Buford - do chính người Việt sở hữu. Và hôm nay, chúng tôi cũng chính thức đổi tên thị trấn Buford với 147 năm lịch sử thành Thị trấn Phin Deli”.

Về việc thâm nhập lĩnh vực cà phê, Kinh Đô cho biết, ngành hàng cà phê là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng 15 - 20% và quy mô thị trường 40.000 tỷ đồng. Thâu tóm Phin Deli, Kinh đô sẽ đưa mặt hàng cà phê Việt ra thế giới.  Ngoài cà phê, Kinh Đô còn là cổ đông chiến lược của công ty Dầu ăn Vocarimex. Và, cũng vẫn với chiến lược bí mật như với Phin Deli, tỷ lệ sở hữu và giá mua cổ phần của Vocarimex không được tiết lộ.

Sau khi tham gia các mặt hàng mới, Kinh Đô sẽ thực hiện tái cấu trúc thành 6 mảng kinh doanh chính, chuyển lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo sang Kinh Đô Bình Dương - BKD (trong đó có công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc - NKD), kem - sữa chua (Kido), mỳ gói (Saigon Vewong), dầu ăn (Vocarimex), cà phê (Phin Deli) và Kinh Đô Bakery.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2014, công ty đặt doanh thu thuần 5,150 tỷ và lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 7% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt.

Trong khi đó, doanh thu thuần và lãi trước thuế năm 2013 của KDC đạt lần lượt 4,561 tỷ và 619 tỷ đồng, tăng 6% và 26% so với năm 2012. Tỷ lệ cổ tức 20% bằng tiền mặt, tương đương 379 tỷ đồng.


Theo Bảo Nhi/ Thời báo Đông Nam Á
Bình luận
vtcnews.vn