• Zalo

'Sếp công ích' lương khủng: Cư dân mạng 'khẩu chiến'

Thời sựThứ Năm, 29/08/2013 02:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận lương tiền tỷ đang gây bão dư luận trong những ngày gần đây.

(VTC News) - Việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận lương tiền tỷ đang gây bão dư luận trong những ngày gần đây.

Gần đây, dư luận dậy sóng khi biết mức lương của giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM là 2,6 tỷ đồng/năm – cao gấp 41 lần lương người lao động.

Ngoài ra, lương của chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty này là 1,6 tỷ đồng/năm; lương của giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng 2,2 tỷ đồng/năm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên 2,4 tỷ đồng/năm... Những con số trên đã khiến hàng triệu người Việt Nam thực sự kinh ngạc.

Đắng lòng khi đọ lương còm cõi

Đường phố TP.HCM vẫn ngập lụt liên miên nhưng lãnh đạo của đơn vị chống ngập vẫn lĩnh lương tiền tỷ. (Ảnh: internet)
Đường phố TP.HCM vẫn ngập lụt liên miên nhưng lãnh đạo của đơn vị chống ngập vẫn lĩnh lương tiền tỷ. (Ảnh: internet) 

Chia sẻ trên các diễn đàn, rất nhiều ý kiến độc giả bày tỏ bất bình khi mức thu nhập cao bất thường này lại xuất phát từ việc chi thưởng sai cho đội ngũ quản lý.


Độc giả Ngô Quang Tuyến viết: “Tôi làm việc ở công ty TNHH một thành viên huyện. Làm việc cả thứ 7+ chủ nhật, đêm, bão… không bao giờ có mặt ở nhà mà lương của tôi bây giờ mới chỉ có: 2,65 * 115000= 3047500 + 900.000 (tiền ăn ca trưa) = 3.947.500 đồng, trừ bảo hiểm xã hội, trừ tiền công đoàn còn lại khoảng 3.500.000 đồng”.

Trong khi đó, độc giả Đình Nam cho biết: “Một năm lương của các vị hơn cả đời dạy học của tôi. Ngày nay, giàu nghèo thấy rõ quá”.

Độc giả Khanh Nguyen tâm sự: “Mình là công chức nhà nước đã 3 năm rồi, lương 2,9 triệu (đã bao gồm phụ cấp 25%). Nhìn lương các bác ấy mà mình đau lòng quá”.


Độc giả Đặng Lịch cho hay: “Tôi là Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú, Trưởng khoa, giáo viên kiêm nhiệm tại một trường Đại học có tiếng, đã có 36 năm làm việc trong ngành Y tế mà lương cũng chỉ có 12 triệu/tháng”.

Cư dân mạng có biệt danh Zi zu chia sẻ: “Tính ra 1 tháng lương của các ông ấy bằng cả 5 năm làm việc không ăn xài của công nhân may giày như chúng tôi (lương chỉ 3,3 triệu đồng/tháng). Thật khủng khiếp!”.

Cùng cảnh ngộ, độc giả Hà viết: “Mình ra trường và làm kế toán cho 1 công ty đã được 2 năm mà lương hiện tại của mình giờ cũng chỉ được 4 triệu đồng. Trong khi đó, mình còn phải nuôi con nhỏ, thuê nhà trọ, không biết bao giờ mới khá, mới có chỗ cho những người có thu nhập quá thấp như mình”.

Sau hàng loạt sự so sánh “khập khiễng”, hầu hết cư dân mạng đều đi tới một kết luận giống quan điểm của độc giả TNT.

 

Tôi là Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú, Trưởng khoa, giáo viên kiêm nhiệm tại một trường Đại học có tiếng, đã có 36 năm làm việc trong ngành Y tế mà lương cũng chỉ có 12 triệu/tháng

Độc giả Đặng Lịch
 
TNT cho rằng, nếu như vị lãnh đạo đó bỏ vốn cá nhân ra kinh doanh thì lương cao nữa cũng kệ. Vấn đề là dùng tiền của Nhà nước, mà tiền của Nhà nước tức là tiền thuế của dân. Không thể vượt khung, vượt sàn lung tung thế được.


Một góc nhìn khác

Phản pháo lại các quan điểm bị xem là có chút ghen tị của các cư dân mạng trên, thành viên Hùng viết: “Theo tôi thà trả lương cao còn hơn trả thấp để tiêu cực. Làm lãnh đạo công ty tầm cỡ vậy mà lương không bằng nhân viên công ty nước ngoài thì coi sao được?!”.

Đồng tình với Hùng, một độc giả có tên Hiền chia sẻ: “Thầy dạy toán cấp 3 của mình thu nhập gần 200 triệu đồng/tháng. Những người này ở vị trí cao như vậy thì thu nhập mức đó có gì lạ đâu. Cũng xứng công sức lao động họ bỏ ra thôi”.

Phân tích những phát ngôn của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam về vấn đề này, độc giả Võ Phan Anh viết: “Theo như bộ trưởng Đam nói, tôi đã hiểu vì sao nhân tài ít chịu làm việc tại các cơ quan Nhà nước, hoặc chấp nhận làm, nhưng thu nhập gấp nhiều lần không nhờ vào lương.

Trách nhiệm phải đi đôi với quyền lợi. Quy định Nhà nước như vậy thì cần phải thay đổi, thà trả lương cao chứ đừng để xảy ra tham nhũng. Cái cần xác định trong chuyện này là các vị chủ tịch ấy có làm tốt nhiệm vụ của họ hay không, thu nhập như vậy có xứng đáng hay không”.

Ủng hộ độc giả Võ Phan Anh, độc giả tên Cường cho rằng, về luật như bộ trưởng nói hoàn toàn chính xác. Nhưng cần xem xét lại tính thực tiễn của nó xem có còn phù hợp không. Là lãnh đạo một công ty, không phân biệt nhà nước hay tư nhân, nếu công ty làm ăn tốt, họ xứng đáng được hưởng mức thu nhập cao như vậy.

"Có như thế mới kích thích được người lao động nói chung và các bộ phận lãnh đạo nói riêng làm việc. Với tôi, quan điểm cào bằng là một trong những yếu tố đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam”, độc giả Cường bình luận.

Lương thời vụ của công nhân cây xanh TP.HCM chỉ 3-5 triệu đồng/tháng
Lương thời vụ của công nhân cây xanh TP.HCM chỉ 3-5 triệu đồng/tháng 

Trong khi đó, độc giả Tiến Lê Huỳnh bày tỏ: “Tôi không quan tâm mấy ông đó nhận lương bao nhiêu. Tôi chỉ quan tâm cách lãnh đạo và hiệu quả công việc của họ thôi”.


Cả Văn Nhã và Minh Châu đều đồng tình với quan điểm: “Những người này có tổng thu nhập cao, nhưng có quyết toán thuế đoàng hoàng. Không quyết toán thuế mới đáng sợ. Còn lương hơn 7 triệu đồng/tháng, nhưng lậu nhiều. Nhiều khi 11 – 12h đêm vẫn thấy họ làm ngoài đường đấy thôi. Quan trọng là Nhà nước thanh tra và có kết luận cuối cùng xem có sai phạm hay không chứ cứ thấy lương cao mà dìm xuống là thua”.

Độc giả Lê Đại Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng ta nên khuyến khích trả lương cao cho những người xứng đáng, còn những người chỉ biết "há miệng chờ sung", sáng đến cơ quan đọc báo, lướt web, ăn bám vào ngân sách nhà nước thì lương 1 triệu đồng hay 2 triệu đồng cũng là quá cao”.

Độc giả Pinpin VietNam viết: “Tóm lại, nếu chỉ nghe thấy người ta có thu nhập, lương cao hơn mình, hơn người và lấy cớ đó là "Doanh nghiệp Nhà nước" nên giật đùng đùng lên, đòi trả bớt lại để đảm bảo "công bằng xã hội" mà không căn cứ vào thực tế, luật pháp là không có tình cũng chả có lý”.

 

Tôi không quan tâm mấy ông đó nhận lương bao nhiêu. Tôi chỉ quan tâm cách lãnh đạo và hiệu quả công việc của họ thôi

Độc giả Tiến Lê Huỳnh
 
Phải tịch thu và kiểm điểm


Một cuộc khẩu chiến nảy lửa đã nổ ra giữa những luồng ý kiến trái chiều của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng, nếu so sánh như độc giả Hùng là khập khiễng vì đó là công ty công ích Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp nước ngoài hay công ty TNHH.

“Thầy dạy toán cấp 3 có thu nhập cao thì cũng là thu nhập ngoài (dạy thêm) thôi chứ không phải từ đồng lương hay thưởng từ doanh nghiệp nhà nước. Mà đã là thu nhập ngoài thì xã hội này còn nhiều người có thu nhập khủng hơn nhiều.

Làm ơn cũng đừng so sánh với lương nước ngoài vì trình độ, tác phong làm việc khác hẳn nhau. Mặt khác, mặt bằng lương chung ở Việt Nam không cao, nhân sự Việt Nam làm tại Việt Nam dĩ nhiên chịu thiệt thòi hơn", độc giả Hưng phản pháo.

“Nước thì liên tục tăng giá, gặp sự cố, đường ngập như sông mỗi khi có mưa, trong khi kinh phí tu sửa không có, phải vận động nhân dân đóng góp. Thế mà doanh nghiệp vẫn có quỹ thưởng hàng tỷ đồng. Căn cứ chia thưởng của lãnh đạo các doanh nghiệp này ở đâu nếu như kết quả công việc của họ không mang lại công ích cho số đông người dân?", một độc giả giấu tên bình luận.

“Không chỉ là truy thu, mà cần phải truy tố. Đây rõ ràng là ngân sách cấp xuống, dù tiết kiệm được cũng không thể chia nhau chứ chưa nói đến việc kết quả không thấy đâu mà tiền thì đầy túi”, độc giả Lê Quang Sơn nhấn mạnh.

Độc giả Chipheo lại cho rằng, việc cần thiết là xác định xem đã hưởng lương vượt quá quy định bao nhiêu năm chứ không phải chỉ năm nay, đã sai thì cần phải tịch thu và kiểm điểm.

Minh Quân (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn