• Zalo

Sếp chứng khoán vào tù: 'Đội lái' chùn tay

Kinh tếThứ Sáu, 17/08/2012 07:14:00 +07:00Google News

Việc xử lý hiện tượng thao túng giá cổ phiếu gần đây được cho là sẽ giúp thị trường phát triển bền vững và rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ được giảm thiểu.

Việc xử lý hiện tượng thao túng giá cổ phiếu gần đây mà điển hình là vụ khởi tố chứng khoán Sacombank đang gây được sự chú ý, đa số đều cho rằng: Sự mạnh tay, thanh lọc nhanh, tái cấu trúc gọn TTCK sẽ giúp thị trường phát triển bền vững và rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ được giảm thiểu.

“Đội lái” chùn tay
 
Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 8/2012, cơ quan an ninh đã bắt giữ và khởi tố nhiều lãnh đạo của 3 công ty chứng khoán (CTCK). Trong đó, rùm beng nhất là vụ Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank (SBS) về “công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán”.
 
Và trước đó, ngày 3/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 ông: Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SME và ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư.
 
Các vụ việc chưa biết sẽ đi đến đâu nhưng cái gương 4 năm tù giam đối với tổng giám đốc Dược Viễn Đông trước đây (và hiện đang bị khởi tố thêm và hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức để vay vốn ngân hàng) có lẽ cũng sẽ khiến nhiều đội lái phải chựng lại.
 
“Lo nhất có lẽ là các đội lái. Vụ khởi tố cả một CTCK về tội danh này cho thấy các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh chấn chỉnh hoạt động của các CTCK và giao dịch mua bán cổ phiếu. Động thái này sẽ khiến nhưng ai muốn thao túng giá cổ phiếu một lần nữa phải dè chừng”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.
 
Theo chuyên gia này, vấn nạn làm giá cổ phiếu diễn ra lan tràn trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến cho đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ chán nản và thị trường chứng khoán (TTCK) rơi vào tình cảnh ảm đạm trong năm 2011 và vài tháng vừa qua.
 
“Sóng lên sóng xuống có thể kích thích những người ưa mạo hiểm nhưng đó chỉ là nhất thời. Cuối cùng khi mà các nhà đầu tư nhận ra họ bị các đội lái đưa đẩy vào tròng và luôn luôn là người thiệt thòi thì việc dần rời bỏ thị trường là khó tránh khỏi”, chuyên gia này chia sẻ.
 
Chị Minh Hiền, một nhà đầu tư trên sàn BSC từng chơi chứng khoán khá nhiều vài năm trước đây, cho rằng, vụ SBS như là 1 lời cảnh báo nữa.
 
“Nó sẽ khiến các đội lái không manh động, ít nhất trong ngắn hạn. Những vụ xử lý mạnh tay sẽ là tấm gương cho người khác nhìn vào”, chị Hiền nhận định.

Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ủng hộ dấu hiệu vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.  

 
“Tuy nhiên, đáng ra vụ này phải làm từ lâu rồi. Sóng gió ở SBS quá rõ ràng và kéo dài lâu rồi. Cổ phiếu gì mà tăng trần và giảm sàn cả gần chục phiên liền, lúc trần cứng không thể mua, lúc sàn cả triệu không ai bán. Đây là 1 trong những mã có thể coi là khó lường nhất trên thị trường. Không chỉ thế, trong giới đầu tư, sự đồn đại về các đội lái liên quan tới SBS là không ít”, nhà đầu tư này chia sẻ.

“Vụ SBS chắc sẽ có nhiều người bị khởi tố. Không khéo lại giống Chứng khoán Liên Việt. Xét về dài hạn, những vụ xử lý mạnh tay mới giúp phân biệt được vàng thau. Chứng khoán Việt Nam mới đi lên bền vững được”, ông Sơn, nhà đầu tư tại Đống Đa, Hà Nội.
 
Chia sẻ điều này, nhà đầu tư khác cho rằng: “Muốn ổn định nền kinh tế thì không có gì khác là cần phải xử mạnh với tình trạng thao túng giá. Mấy năm nay TTCK bị thao túng dữ dội, từ CTCK phá, doanh nghiệp niêm yết phá, đến các đại gia phá…”
 
Cần mạnh tay hơn nữa
 
Ở góc độ nào đó, một số ít ý kiến cho rằng, với vụ khởi tố SBS nhiều đội lái chắc chắn sẽ chùn tay. Và đội lái mà chùn tay thì TTCK vốn đang ảm đạm sẽ càng buồn tẻ hơn.
 
“Trai phải có gái, cổ phải có lái thì mới ăn đậm được. Có thể một số cổ được “bơm vá” là cổ lởm nhưng với TTCK chộp giật như tại Việt Nam thì cứ đánh theo lái là có ăn đậm. Còn không có lái, kể cả cổ tốt cùng lình xình hết”, một nhà đầu tư nhận xét.
 
Đây là ý kiến của một số ít người nhưng nó cũng cho thấy 1 thực trạng về tình trạng thao túng và làm giá tại TTCK Việt Nam. Thậm chí, theo nhiều người, nếu “vào cuộc” mạnh mẽ thì các cơ quan chức năng có thể phát hiện ra không ít CTCK có dính líu tới các trò chơi tung hứng cổ phiếu.
 
Tin đồn về những mã được “lái” được cập nhật thường xuyên trên các diễn đàn khiến một số nhà đầu tư nghi ngờ khả năng kiểm soát hết các vi phạm của các cơ quan chức năng bởi theo họ SBS, SME là các trường hợp bê bết, sắp phá sản. Một số vụ có dấu hiệu thao túng như ở STB, DLG nhưng các đối tượng này rất mạnh và cho đến nay các hình thức xử phạt vẫn chỉ ở mức rất nhẹ.
 
“Không khéo vụ này (SBS) lại chìm xuồng. Nếu vụ này không chìm xuồng thì vụ STB, DLG phải được xem xét lại và phải làm mạnh mẽ. Theo quy định là vi phạm công bố thông tin nhưng thực tế có thể phức tạp hơn thế”, ông Tuấn, một nhà đầu tư tại Ba Đình nói.
 
Hơn thế, việc xử phạt thường thấp vì khó quy kết tội thao túng giá cổ phiếu. Thông thường lỗi mà các cơ quan chức năng dễ bắt nhất là vi phạm công bô thông tin (CBTT).
 
Mặc dù từ 1/6 quy định công bố thông tin mới (Thông tư 52) theo hướng chặt chẽ hơn đã có hiệu lực như: người công bố thông tin phải là người đại diện pháp luật của DN; thời gian công bố thông tin rút ngắn… nhưng các đại gia vẫn có thể mua chui bán lén dễ dàng và sẵn sàng chịu phạt vài chục triệu đồng.
 
Theo đại diện UBCKNN, vi phạm nghĩa vụ CBTT sắp tới mức phạt này sẽ tăng đến 2 tỉ đồng (thay vì mức tối đa 500 triệu như hiện tại) và có thể quy trách nhiệm cá nhân bắt bồi thường thiệt hại, chuyển sang xử lý hình sự, hủy niêm yết cổ phiếu của các DN niêm yết.
 
Với những hình thức xử phạt mạnh hơn và nỗ lực tái cấu trúc TTCK thực sự của các cơ quan chức năng, nhiều người hy vọng TTCK sẽ công bằng hơn với đa số các nhà đầu tư.
 
Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn