• Zalo

Sẽ xử lý người đốt xe máy gần bốt CSGT ở Thái Bình ra sao?

Thời sựThứ Sáu, 15/01/2016 12:52:00 +07:00Google News

Theo các chuyên gia pháp lý, người điều khiển phương tiện vi phạm có hành vi đốt xe gần bốt CSGT ở Thái Bình có thể bị xử phạt nhiều lỗi.

(VTC News) - Theo các chuyên gia pháp lý, người điều khiển phương tiện vi phạm có hành vi đốt xe gần bốt CSGT ở Thái Bình có thể bị xử phạt nhiều lỗi.
Liên quan đến vụ việc chiếc xe máy BKS 29S2-3000 bốc cháy gần bốt CSGT Công an TP Thái Bình (ngã tư Lý Thường Kiệt – Hai Bà Trưng, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) xảy ra ngày 11/1 vừa qua gây xôn xao dư luận, ngày 13/1, Công an tỉnh Thái Bình cho biết hiện vẫn chưa xác định được có hay không việc người vi phạm Luật giao thông tự đốt xe như một số thông tin đang lan truyền trên mạng. 
Chiếc xe máy bốc cháy ngùn ngụt gần bốt CSGT TP Thái Bình - Ảnh cắt từ clip
Chiếc xe máy bốc cháy ngùn ngụt gần bốt CSGT TP Thái Bình - Ảnh cắt từ clip 
Tuy nhiên, bước đầu xác định, người đàn ông điều khiển chiếc xe mô tô nói trên là ông Đỗ Văn Ve (SN 1964 ở Vũ Lạc, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) vi phạm lỗi chuyển hướng mà không có tín hiệu xi nhan, kiểm tra nồng độ cồn cho thấy người lái xe vi phạm với 0,277 miligam/lít khí thở và không có đăng ký xe môtô, không có giấy phép lái xe. 

Cơ quan Công an vẫn đang xác minh xem ai là chủ nhân của chiếc xe máy bị đốt nêu trên.

Video: Tự đốt xe máy sau khi vi phạm giao thông ở Thái Bình  
Trả lời báo chí, luật sư Lê Thanh Sơn - Văn phòng luật sư AIC cho biết: “Hành động đốt xe có thể vướng vào 2 tội như gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông và chống người thi hành công vụ".

Theo nhận định của luật sư Sơn, hành động đốt xe đó gây ảnh hưởng đến các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ và cả người đi đường.

"Đồng thời, cũng cần xác định xem chiếc xe bị đốt có phải chính chủ của người đàn ông đó hay không”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) cho rằng, một người có toàn quyền đối với tài sản mình sở hữu, kể cả quyền thiêu rụi.

Tuy nhiên, theo luật sư Triển, phải xem việc đốt đó được tiến hành ở đâu, có ảnh hưởng đến ai không, nếu đốt ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông... thì rõ ràng là vi phạm, phải bị xử lý.

"Anh phải đốt ở nơi nào không ảnh hưởng đến ai, không được mang ra đường rồi châm lửa, rõ ràng hành vi này đã vi phạm pháp luật vì xâm hại đến trật tự công cộng", luật sư Triển nói.
CSGT phải dùng bình cứu hỏa mini dập lửa - Ảnh cắt từ clip
CSGT phải dùng bình cứu hỏa mini dập lửa - Ảnh cắt từ clip 
Còn theo luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, trong vụ việc nêu trên cần làm rõ các nội dung sau đây thì mới có căn cứ để xử lý:

Trước hết chủ sở hữu chiếc xe là ai? Có phải là ông Đỗ Văn Ve - người điều khiển chiếc xe bị cháy nêu trên có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay không?

"Nếu ông Ve có hành vi vi phạm Luật giao thông thì CSGT xử lý vi phạm đúng quy trình hay chưa, có thái độ gây bức xúc, mất bình tĩnh cho ông Ve hay không?

Ông Ve là người tự châm lửa đốt xe hay xe cháy là do nguyên nhân khác? Tình trạng tinh thần của ông Ve khi sự việc xảy ra... Từ đó mới có thể kết luận về vụ việc này và mới có căn cứ và xử lý theo quy định pháp luật", luật sư Cường nói.

Theo vị luật sư này, nếu có căn cứ xác định chiếc xe đó không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Ve mà ông Ve lại tự ý châm lửa đốt xe thì hành vi này là hành vi cố ý hủy hoại tài sản.

Trong trường hợp này, nếu ông Ve không mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức thì ông Ve sẽ bị xử lý về tội cố ý hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

"Nếu chiếc xe đó là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Ve mà ông lại tự ý đốt chiếc xe này ở nơi công cộng để thể hiện thái độ phản ứng tiêu cực trước việc xử lý vi phạm của CSGT thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Nếu hành vi này chưa gây hậu quả nghiêm trọng theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì ông Ve sẽ bị xử lý hành chính, mức xử phạt là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Còn nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ làm căn cứ để xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự.

Theo đó, người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.

Đồng thời người vi phạm bị cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm", luật sư Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo luật sư Cường, cũng cần làm rõ nguyên nhân, động cơ mục đích nào khiến ông Ve lại có phản ứng tiêu cực gây thiệt hại tới tài sản như vậy.

Nếu chiếc xe đó là tài sản phạm pháp, hành vi đốt xe để phi tang chứng cứ thì cần phải làm rõ để xử lý các sai phạm.

"Nếu chiếc xe là tài sản hợp pháp của ông Ve mà ông này lại tự ý đốt xe thì cũng phải làm rõ nguyên nhân xem các CSGT đó có lỗi gì không...

Với người dân thì chiếc xe máy là phương tiện quan trọng, là tài sản có giá trị. Vậy mà họ bức xúc tới mức phải đốt xe (nếu có) thì người gây bức xúc cũng có lỗi và cần phải bị xử lý bằng những biện pháp thích hợp", luât sư Cường nêu.

Cùng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng nhận định, vụ việc này đang khiến nhiều người tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau, vụ việc còn có dấu hiệu tội phạm.

Vì vậy, cơ quan công an nơi đây cần xác minh, làm rõ và xử lý sao cho công bằng, công khai và đúng pháp luật, bên nào có sai phạm cũng cần phải bị xử lý nghiêm để đảm bảo duy trì trật tự xã hội.

Minh Khang(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn