• Zalo

Sẽ sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm?

Thời sựThứ Hai, 23/12/2013 02:19:00 +07:00Google News

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm nếu thấy cần thiết...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm nếu thấy cần thiết...

Báo cáo công việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ bảy vào giữa năm 2014 tại phiên họp sáng 23/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến sẽ bố trí một ngày cho việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý thời gian dành cho việc này có thể sẽ nhiều hơn, nếu có thông báo mới về sửa nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm. Khả năng sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm, theo Phó chủ tịch, là khá chắc chắn.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm nếu thấy cần thiết, nhưng cũng không  thông tin cụ thể hơn là sẽ sửa theo hướng nào.

Hồi giữa năm nay, sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, cũng như ý kiến của nhiều cử tri, một số địa phương đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên quy định ở hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm chứ không nên để ba mức như hiện tại.

Theo dự kiến, chương trình kỳ họp tới của Quốc hội sẽ diễn ra trong khoảng 29,5 ngày với thời lượng dành cho xây dựng pháp luật lớn nhất từ trước đến nay: xem xét thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 18 dự án luật khác.

Với yêu cầu cấp bách sau khi Hiến pháp mới vừa được thông qua, một số ý kiến đề nghị có thể bố trí riêng một kỳ họp của Quốc hội chỉ để xây dựng pháp luật.

Rút kinh nghiệm kỳ họp Quốc hội thứ sáu vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa phản ánh nhận xét của cử tri là thời gian dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp quá ngắn. Vì vậy nhiều đại biểu hỏi một một số câu rất quan trọng mà không được nghe trả lời. Ông Khoa đề nghị nên nghiên cứu thời lượng cho hợp lý để Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp.

Chủ nhiệm Khoa cũng nhận xét, một số phiên thảo luận đại biểu vắng quá nhiều, khiến cử tri đặt câu hỏi. Thậm chí có buổi thảo luận, có đoàn đại biểu Quốc hội chỉ còn một người tham dự, ông Khoa nói.

Đây cũng là hạn chế được nhiều ý kiến khác đề cập. Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay bà đã nhận được tin nhắn của cử tri băn khoăn về một số phiên họp có quá nhiều ghế trống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban công tác đại biểu gửi văn bản đến tất cả đại biểu nói rõ là nhiều cử tri phê bình về việc nhiều phiên họp vắng quá nhiều đại biểu.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu bố trí thời gian tham dự họp đầy đủ, không bố trí đi công tác nước ngoài vào thời gian Quốc hội họp, vì thời gian của mỗi kỳ họp đã được chốt.

“Tôi không dám nói là có đồng chí cứ nhằm vào thời gian Quốc hội họp mà bố trí đi công tác nước ngoài”, Chủ tịch nói.




Theo Vneconomy

Bình luận
vtcnews.vn