Xung quanh việc ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dùng tiền tham ô mua cho "bồ nhí" 2 căn hộ chung cư cao cấp theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) bên lề cuộc họp báo thường kỳ về công tác tư pháp về việc kê biên, phong tỏa tài sản đảm bảo công tác thi hành án khi bản án có hiệu lực.
Ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết: “Nếu như đấy là tài sản liên quan đến nghĩa vụ phải thi hành án của bị cáo, do nguồn gốc phạm tội mà có, liên quan đến nghĩa vụ thi hành của vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp cần thiết như kê biên, cấm chuyển dịch để đảm bảo thi hành án”.
Bị can Dương Chí Dũng. |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự cho rằng, việc kê biên, phong tỏa tài sản bị can bị cáo là thẩm quyền của các cơ quan tố tụng, nhưng với trách nhiệm của mình, Tổng cục thi hành án cũng đã nhiều lần có kiến nghị để đảm bảo thi hành án sau này thì cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra, cơ quan tòa án hình sự và dân sự phải áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo tài sản để thi hành án sau này.
“Nếu không phong tỏa tài sản thì đến khi xử xong không có tài sản để thi hành án hoặc thời điểm đó có tài sản nhưng sau đó bị tẩu tán” – ông Nguyễn Thanh Thủy nói.
|
Lấy ví dụ về khó khăn trong việc thi hành án, ông Thủy dẫn chứng về việc thi hành án tại vụ án tiêu cực ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin). Trong vụ án này, tòa án đã tuyên thi hành án dân sự khoảng 1200 tỉ đồng nhưng cho đến nay chỉ mới thi hành được hơn 30 tỉ đồng.
Nguyên nhân, bên được bồi thường là một số cơ quan doanh nghiệp Nhà nước không mấy quan tâm tới với việc thi hành án. Cụ thể là theo nguyên tắc, bên bồi thường phải có đơn yêu cầu thì mới thi hành án được, nhưng trong tổng số 6 đơn vị được bồi thường thì đến nay có 4 đơn vị chưa đề nghị yêu cầu thi hành án.
Mặt khác, tài sản của một số người là nguyên lãnh đạo Vinashin hiện không còn gì.
“Thông qua việc này chúng tôi cũng chia sẻ các biện pháp bảo đảm cho thi hành án dân sự và cũng muốn khuyến nghị với các cơ quan tố tụng thực hiện các biện pháp tốt hơn trong điều tra, xét xử như kê biên, niêm phong tài sản liên quan để đảm bảo điều kiện thi hành án về sau”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cụ thi hành án dân sự chia sẻ.
Tòa nhà Pacific Place nơi Dương Chí Dũng dùng tiền tham ô mua nhà cho 'bồ nhí'. |
Trước đó, cơ quan điều tra Bộ Công án đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị can trong vụ án tham nhũng trong việc mua ụ nổi 83M tại Vinalines.
Theo kết luận, bị can Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã cấu kết cùng với Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc và các cá nhân khác cố ý làm trái trong việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD.
Lần theo số tiền này, cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua cho “bồ nhí”, người đã có con riêng với Dương Chí Dũng, 2 căn hộ chung cư, một căn tại tầng 29 tòa tháp B, tòa nhà Skycity, Láng Hạ, Hà Nội; một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Nguyễn Dũng
Bình luận