Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình”, mà nạn nhân có tỷ lệ tổn thương từ 11-30% hoặc dưới 11%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Dưới đây, là cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội về vấn đề này
-Thưa ông, được biết, ông chính là người đã đề nghị Quốc hội ban hành Luật Phòng chống bạo hành nhân viên y tế. Và ngày 19/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Mức phạt tối đa cho tội danh này là bị phạt tù đến 3 năm, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi cũng mừng một phần nhưng cũng mong muốn hơn nữa là khi bộ luật ra đời thì Bộ Công an, Bộ Y tế có thêm những văn bản dưới luật để cụ thể hóa điều luật này cho các bệnh viện yên tâm. Tôi cho rằng câu chuyện này vẫn chưa thể kết thúc được và mong rằng sau 1 năm nữa mà tỷ lệ các vụ tấn công nhân viên y tế giảm xuống được 10% là tôi rất hạnh phúc.
Như vậy thì cần có sự vào cuộc tiếp theo của các cơ quan cũng như bản thân ngành y tế phải thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận đối với vấn nạn bạo hành y tế, chính bản thân chúng tôi cũng phải suy nghĩ lại trước những câu hỏi mà xã hội phản biện tới chúng tôi, chúng ta phải lắng nghe thì mới tìm ra phương án.
Nhân viên y tế nên thành lập hội nghề nghiệp để bảo vệ chính bản thân chúng ta. Không thể giao hết trách nhiệm cho chính quyền, Nhà nước, vì đó là đồng nghiệp của chúng ta. Chúng ta phải có tiếng nói vì quyền lợi và sự an toàn cho chính nhân viên y tế.
- BS. Ngô Đức Hùng, Khoa A9, BV Bạch Mai cho biết: Nhiều người cho rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Điều 134 là đáng mừng, tuy nhiên tôi thấy, hầu hết những vụ bạo hành y tế đều liên quan đến người thân của bệnh nhân, nếu nói đối tượng trực tiếp hành hung bác sĩ là những người bệnh thì chỉ chiếm số ít. Có độc giả nói rằng: Khi đã là bệnh nhân thì mấy ai có sức mà hành hung “người đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Chỉ có thân nhân người bệnh thường có thái độ với bác sĩ. Như vậy, việc bổ sung Điều 134 như vậy có cũng như không. Ông nghĩ gì về việc này?
Mọi người đều biết, bệnh nhân là những người có vấn đề về sức khỏe hoặc là trẻ nhỏ không có khả năng làm hại nhân viên y tế, mà đa phần là những đối tượng như người nhà, người quen, người thân vào bệnh viện mới là đối tượng manh động, có khả năng hành hung y, bác sĩ.
Ví dụ một hành khách mắng chửi một cô tiếp viên thì bị cấm bay. Trong ngành y có một điều luật là không được từ chối khám chữa bệnh cho người bệnh. Khi người ta mắng chửi chúng tôi nhưng chúng tôi không được từ chối khám chữa bệnh cho họ. Đây lại trở thành câu chuyện mất công bằng giữa con người với con người.
Hiện nay, chưa có điều khoản nào quy định người hành hung nhân viên y tế không được chữa bệnh. Đó là đạo lý và đã được quy định rõ ràng. Tôi cho rằng cần có nghị định chặt chẽ hơn, bởi hiện nay chúng tôi không có một phương tiện gì để cấm người ta chửi bới chúng tôi. Những hành vi như chửi bới bác sĩ, việc xảy ra hàng ngày trong bệnh viện, thì chúng tôi cũng không thể đưa họ ra pháp luật được.
Nếu có những nghị định, quy định rõ ràng, chi tiết hơn, ví dụ như khi đối tượng đã từng xâm hại sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế có thể phân thành các mức phạt từ thấp đến cao và mức cao nhất là truy tố trước pháp luật.
- Vậy có cách gì để giảm được tình trạng hành hung nhân viên y tế xảy ra ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng? Các bác sĩ hiện nay có thể làm gì để bảo vệ mình, thưa ông?
Ở bệnh viện của tôi, tất cả các nơi đều có camera ghi lại hình ảnh. Nếu có mâu thuẫn xảy ra, những hình ảnh được ghi lại là những bằng chứng đanh thép nhất để phân biệt đúng sai. Nếu biết phòng khám có đặt camera, người bệnh và cả nhân viên y tế sẽ cân nhắc hơn khi có ý định ứng xử không phù hợp. Hoặc khi một trong hai bên thiếu kiềm chế, camera sẽ trở thành bằng chứng xác thực nhất trước pháp luật.
Video: Nữ bác sĩ bị đánh khi trực cấp cứu ở Nghệ An
Bên cạnh đó, có thể lắp thiết bị báo động dưới gầm bàn ở các phòng cấp cứu các bệnh viện. Khi có đối tượng manh động thì chúng ta có thể ấn vào chuông báo động, chuông đó có thể báo động đến tận cơ quan công an. Hoặc ngược lại chỉ cần chuông kêu thật lớn trong phòng cấp cứu, tất cả mọi sự chú ý sẽ tập trung vào đối tượng đó, khiến họ phải cân nhắc vì họ sẽ hành động không chỉ trước mặt một người mà trước hàng trăm con mắt, như vậy sẽ hạn chế được ở một mức độ nào đấy. Đây là cách mà tôi mong có ở các bệnh viện, mà cụ thể là ở các phòng cấp cứu.
- Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, một bác sĩ, ông sẽ tiếp tục làm gì để đảm bảo sự an toàn cho bác sĩ, tạo ra môi trường an toàn, trong lành trong bệnh viện?
Tôi sẽ tiếp tục đề nghị ban hành đạo luật riêng chống bạo hành nhân viên và các cơ sở y tế. Với tư cách là bác sĩ, tôi sẽ kêu gọi các hội chuyên ngành tham gia sâu hơn về lĩnh vực này như thành lập các forum để trao đổi, thảo luận tìm các phương pháp hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công an ra các nghị định dưới luật để chống bạo hành y tế và các đối tượng đã từng bạo hành y tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận