Nếu ông Đương cứ tiếp tục khăng khăng giữ sai lầm của mình thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ phải có đơn khiếu nại chính thức.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam:
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói rằng phát biểu của ông được “quyền miễn trừ trách nhiệm” theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên Hiến pháp năm 2013 không có điều khoản nào quy định về “quyền miễn trừ” của đại biểu Quốc hội như ông Đương nói.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ảnh: Việt Dũng |
Điều 81 Hiến pháp 2013 chỉ quy định: “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.
Giới luật sư hiện có khoảng 9.000 người, nhưng nói như ông Đương rằng “thực chất luật sư Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” là một sự võ đoán, vơ đũa cả nắm.
Trong giới luật sư Việt Nam, không phải 100% luật sư đều tốt, đều là người có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp... Những luật sư vi phạm đã bị phát hiện đều được xem xét, xử lý rất nghiêm, thậm chí xóa tên khỏi danh sách luật sư...
Nhưng số lượng luật sư vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, tiêu cực... chỉ là số ít trong tổng số luật sư đang hành nghề. Sự phẫn nộ của giới luật sư những ngày qua chính là vì sự vơ đũa cả nắm như thế của ông Đương.
Ông Đương còn biện luận: “Luật sư hành nghề không lấy tiền thì sống bằng gì, bằng không khí à?”. Ông Đương cần phải biết rằng tổ chức luật sư là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động của tổ chức luật sư không dùng ngân sách nhà nước.
Các luật sư sống bằng chính lao động của mình từ khoản thù lao của khách hàng. Họ cũng phải lao tâm khổ tứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Nhưng chắc chắn việc kiếm tiền (như ông Đương nói) không phải là mục đích tự thân của nghề nghiệp luật sư.
Cũng như ông, với tư cách đại biểu Quốc hội, ông cũng phải lao động, làm việc với tư cách đại biểu, tư cách ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông cũng phải sống bằng đồng lương từ tiền đóng thuế của dân, ấy là chưa tính hằng năm Quốc hội phải chi cho ông bao nhiêu tiền để ông đi lại, hội họp, tiếp xúc cử tri... và các chi phí khác?
Nếu ông Đương nhận ra sai sót của mình mà công khai xin lỗi Liên đoàn Luật sư Việt Nam để nghiêm túc rút kinh nghiệm thì sự việc sẽ dừng lại ở đó.
Nếu ông cứ tiếp tục khăng khăng giữ sai lầm của mình thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ phải có đơn khiếu nại chính thức yêu cầu Ban công tác đại biểu, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm điểm, xử lý, giáo dục ông Đương và xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo quy định của pháp luật.
Theo TTO
Bình luận