Tin nhạc sĩ Phó Đức Phương trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 19/9/2020 khiến nhiều người vô cùng tiếc thương. “Một nhạc sĩ đa tài, yêu quê hương Việt Nam, yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ và yêu quê ngoại Kinh Bắc trong từng nốt nhạc, lời ca. Một nhạc sĩ không ngại tiếp nạp những mới mẻ của âm nhạc đương thời mà giới trẻ đang tiếp nối và sáng tạo.” Lễ viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương diễn ra vào trưa hôm nay, 24/9 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.
Nhạc sĩ Dương Thụ, người bạn thân thiết của nhạc sĩ Phó Đức Phương trong nhóm “ Bộ tứ sông Hồng” đã dành cho phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam một cuộc trò chuyện, những chia sẻ xúc động về nhạc sĩ Phó Đức Phương và “ Bộ tứ sông Hồng”.
- Xin chào nhạc sĩ Dương Thụ! Vậy là “ Bộ tứ sông Hồng” đã mất đi một mảnh ghép. Có lẽ, lúc này cảm xúc trong ông rất khó tả?
Nhạc sĩ Dương Thụ: Sinh-lão-bệnh-tử, đó là quy luật nhưng bản thân Phương (nhạc sĩ Phó Đức Phương) vẫn tha thiết muốn được sống, chúng ta cũng muốn một người như Phó Đức Phương tiếp tục công việc như anh ấy mơ ước cả cuộc đời…Mình rất buồn.
Trong nhóm, tôi thân với Phương trước. Hồi đó, tôi thi vào khoa Văn, Phương khoa Toán Đại học Sư Phạm. Hai thằng thân nhau lắm. Phương viết gì cũng đều hát cho tôi nghe. Hai thằng cứ đến nhà ăn tập thể, ở đó yên tĩnh. Tôi cũng vậy, viết gì cũng cho Phương nghe.
Năm thứ 2, Phương không hiểu vì lý do gì không học ở Đại học Sư phạm nữa. Phương đi nông trường, trở thành công nhân. Có lẽ đó là điều kiện tốt để Phương thi vào nhạc viện, thời đó gia đình Phương cũng là gia đình tư sản.
Cứ mỗi lần đi dạy từ Tuyên Quang trở về, tôi đều thấy Phương hay lên rất nhiều. Thời ấy, tất cả các nhạc sĩ lớn tuổi mà tôi quen biết họ đều hi vọng vào Phương. Phương sáng tác bài “ Những cô gái quan họ”, đó là hát có thể nói là hay nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, rất đằm thắm, rất duyên dáng. Khi tôi về các vùng nông thôn nghe họ hát, múa trên nền nhạc tôi biết rằng Phương là người Hà Nội nhưng lại rất gắn bó với làng quê, rất thân thiết với những cái gì cổ xưa.
Khi mà Phương về nông trường ở Hòa Bình, Phương cũng viết thư cho tôi. Điều tôi tiếc nhất bây giờ là không giữ được những bức thư từ thời đó. Tiếc lắm! Bởi vì mình di chuyển nhiều, sống ở nhiều nơi, kể cả những bản thảo âm nhạc của tôi cũng bị thất lạc nhiều. Những lá thư của Phương rất hay, tôi nhớ có lần tôi có nói với Phương: “Nếu sau này mình chết, mình sẽ chết bên cây đàn Piano”. Tất nhiên mình không phải là nghệ sĩ Piano, nhưng nói cây đàn Piano ở đây chính là nói đến biểu tượng của âm nhạc.
Khi tôi trở lại Hà Nội, thi vào nhạc viện. Tôi thi cùng Trần Tiến, Nguyễn Cường. Tiến thì tôi thân từ khi Tiến còn là học sinh. Còn Cường thì gặp nhau nhân dịp thi vào học viện, mà trước đó tôi cũng đã rất thích các sáng tác của Cường trên đài phát thanh. Bộ tứ của chúng tôi cũng được hình thành từ đó.
Trong bộ tứ của chúng tôi, Phương là quê nhất, quê không phải là quê mùa mà nó có cái gì đó khó nói lắm. Là người Hà Nội nhưng những gì Phương viết ra rất đậm đà. Như bài “ Về quê” ai cũng hát, những người xa quê, ra đi từ làng quê đều hát cả. Tôi từng nói với Phương rằng: “ Thời của chúng ta thì nhạc sĩ Hoàng Vân là một người đàn anh tuyệt vời nhất, ai cũng nghĩ anh là đỉnh cao của sáng tác nhạc ở miền Bắc, ai cũng nghĩ rằng Phương phải là người kế tục Hoàng Vân.” Sau đó, thì không chỉ Phương mà còn nổi lên nhiều tên tuổi khác nữa. Tuy nhiên, cho đến bây giờ tôi nghĩ về Phương tôi vẫn cho rằng sau thời kỳ hòa bình lập lại, cuối những năm 60, thập niên 70-80 thì ở miền Bắc Phó Đức Phương một trong những nhạc sĩ nổi trội nhất.
- Nghe nhạc sĩ chia sẻ, tôi thấy thật sự ngưỡng mộ tình bạn của bốn người. Nhưng người ta vẫn nói, giới nghệ sĩ rất khó tìm được tri kỷ, bởi vì họ ngông lắm, cá tính lắm! Vậy thì điều gì đã gắn kết bốn người trong nhóm “ Bộ tứ sông Hồng lại với nhau”?
Nhạc sĩ Dương Thụ : Thứ nhất, đã là bạn thì sẽ có nhiều sự đồng cảm. Thứ 2 là có những gắn bó về mặt đời sống. Một trong những điều quý giá nhất là cả bốn người đều có chung giấc mơ về âm nhạc. Khi gặp nhau thì nói chuyện về âm nhạc, có câu chuyện để nói, bốn chúng tôi đều ở Hà Nội và thân nhau như thể anh em.
Lúcó, tôi ở Tuyên Quang về Hà Nội ghé nhà Trần Tiến chơi. Một ngày trời mùa đông, Tiến đang khoác cái chăn len tập Piano, mẹ Tiến ân cần bảo tôi để cho Tiến nó tập. Lúc đó, bà nói câu rất hay trông thằng Tiến nó giống như Trai-cốp-xki cậu nhỉ?". Các cụ rất là yêu con, đó là những bà mẹ tuyệt vời. Đó không phải là tình bạn theo kiểu nổi tiếng chơi với nhau. Đến gia đình nhau như người ruột thịt, nó không giống kiểu tình bạn của các ông nhạc sĩ với nhau chơi với nhau vì nổi tiếng. Chúng tôi chơi với nhau từ lúc vô danh, tôi cũng vô danh, Cường cũng vô danh, chỉ có Phương nổi tiếng còn Trần Tiến thì lúc đó cũng chưa nổi tiếng lắm.
Chúng tôi cùng có một giấc mơ giống nhau, coi nhau như anh em ruột thịt. Một cái gì rất đời thường, một cái gì rất giản dị trong mối quan hệ đó. Cũng có lúc giận nhau, cũng có khi thế này thế kia nhưng đến tầm này tuổi ,già rồi nhận ra có một mối quan hệ như thế này thật là tốt. Chằng hạn như tôi quen Tiến từ thời Tiến còn là học sinh, tôi hơn Tiến đến 5 tuổi. Kể cả đến khi cậu ấy nổi tiếng hơn tôi rất nhiều, nhìn lại chặng đường đã qua, dù có nhiều thay đổi nhưng tình bạn của chúng tôi vẫn vậy.
- Lúc này, nếu mà nhắc về kỷ niệm với nhạc sĩ Phó Đức Phương thì chắc có lẽ sẽ có quá nhiều ký ức hiện về. Thế nhưng, có kỷ niệm nào giữa ông và nhạc sĩ Phó Đức Phương mà suốt cuộc đời này không cũng không bao giờ quên?
Tôi có phần tự tin được như hôm nay là nhờ những người bạn. Họ rất hay động viên, khích lệ, chân tình. Chứ trước có ai thích nhạc mình? Có ai biết mình đâu? Chính họ là những người nghe nhạc tôi đầu tiên.
Nhất là Phương, đối với tôi anh ấy có những động viên dành cho tôi rất cảm động. Những năm chấm dứt chiến tranh, sau 1975, nhạc của Trịnh Công Sơn cũng đang được ưa chuộng. Phương bảo với tôi là :“Mình tiếc cho Thụ, ông mà có điều kiện thì nhạc cũng sẽ rất hay đấy”, ý Phương so sánh với Trịnh Công Sơn. Lời động viên đó thật sự làm cho tôi cảm thấy có thêm động lực. Bởi vì một người như tôi không ai biết đến, tôi không tự đánh giá được bản thân, tôi không nghĩ mình là gì cả, nhưng nhờ có lời động viên đó mà giúp cho mình rất nhiều.
- Có điều gì tiếc nuối nhất mà ông và những người bạn của mình chưa kịp làm với nhạc sĩ Phó Đức Phương?
Tôi chính là người đã có dự án chương trình “Bộ tứ Hà Nội” trước ca sĩ Tùng Dương. Nhưng vì một vài lý do nên kế hoạch chưa thực hiện được. Sau này thì Tùng Dương làm live show lấy tên là “ Bộ tứ sông Hồng”, chứ bốn người chúng tôi, bốn người Hà Nội thì chỉ lấy “ Bộ tứ Hà Nội” thôi. Chúng tôi cũng có kế hoạch in chung một tập sách nhạc của bốn người, tôi là người biên tập, xin tài trợ để in. Tôi cũng đã tập hợp hết rồi nhưng chưa tìm được người tài trợ, in như thế nào? Rồi thì mỗi người mỗi công việc bận quá cũng chưa làm được.
Chúng tôi cũng ấp ủ một chương trình riêng, tôi là người chủ trì lên kế hoạch. Có một kịch bản rất hay, tái hiện ký ức 4 người về âm nhạc gắn với tất cả những biến động của xã hội. Sử dụng rất nhiều tư liệu về âm thanh, hình ảnh…để dựng lại cả cuộc đời của chúng tôi nhưng chưa làm được. Trần Tiến lại đang bệnh, cũng không ra viếng Phương được. Tôi nghĩ rằng sau khi Phương mất mình phải làm gì đó. Đợi Tiến khỏi bệnh chúng tôi phải làm chương trình gì đó không thì lỡ dở hết. Còn việc Tùng Dương làm thì đó là cách nhìn của ca sĩ, tôi lại có một cái nhìn khác. Tôi biên tập bài cũng khác, tôi đánh giá các ông bạn tôi cũng khác, theo tầm của một người nghiên cứu âm nhạc. Tôi có một vốn tư liệu, tôi hiểu các bạn tôi nên nếu làm được thì rất tốt. Nhưng làm gì cũng đòi hỏi phải có tiền bạc, sau đợt này có lẽ phải bàn lại với Cường và Tiến, nếu mà xin được tài trợ.
Người ta nói chết là hết nhưng Phương chưa hết đâu, bởi vì những bài hát mà mình làm ra mà nó sống đó là chính mình. Mỗi lần hát là một lần nó sống, đó là lời an ủi lớn nhất đối với bạn tôi. Phương có thể yên nghỉ và hiểu rằng và nghĩ rằng mình còn được sống trong những tác phẩm của mình. Chúng ta sẽ còn thấy Phó Đức Phương sống nhiều lần trên sân khấu, truyền hình qua những bài hát của anh ấy, đó là niềm an ủi của bạn tôi khi anh ra đi…
- Xin được gửi đến nhạc sĩ Dương Thụ và gia đình cố nhạc sĩ Phó Đức Phương lời chia buồn sâu sắc. Chân thành cảm ơn nhạc sĩ đã dành thời gian trò chuyện ngày hôm nay!./.
Bình luận