• Zalo

Sẽ có thêm nhiều gói ưu đãi 30.000 tỷ?

Kinh tếThứ Sáu, 03/01/2014 12:25:00 +07:00 Google News

Ngoài tiến độ giải ngân chậm, điều mà người dân lo lắng hơn cả là sau khi giải ngân hết gói 30.000 tỷ thì người nghèo còn lại sẽ hết cửa mua nhà xã hội.

Nếu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính nghiêm túc thực thi quy định của Chính phủ, nếu dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt được con số hàng trăm nghìn tỷ đồng thì sẽ có thêm nhiều gói tín dụng ưu đãi sau gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng?

Việc cải thiện nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp là nhiệm vụ chính trị, là chính sách lớn và nhân văn được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và các cộng sự nỗ lực hành động thông qua việc xây dựng thể chế, chính sách.

Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng đã trình Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, ngày 30/11/2011 Thủ tướng Chính phủ ký thông qua. Theo đó, từ nay đến năm 2020 - 2030, Chính phủ sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển cho nhà ở xã hội.


30.000 tỷ
Sẽ có nhiều gói 30.000 tỷ? 
Sự quan tâm của Chính phủ đối với vấn đề nhà ở xã hội đã thể hiện rõ tại Nghị quyết 02/NQ-CP/2012 với yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay với lãi suất ưu đãi 6%/năm và thời hạn vay tương ứng 5-10 năm. Quan điểm của Chính phủ, gói tín dụng 30.000 tỷ là gói hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, không phải để cứu thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, trái với mong đợi, sau 6 tháng giải ngân, các ngân hàng thương mại mới cho vay tổng cộng 1.738 tỷ đồng, tương ứng 2%. Con số giải ngân quá ít so với sự sốt ruột của nhiều người đã đẩy Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước một phen phải đối mặt với “búa rìu” dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ là chiêu thức PR; gói 30.000 tỷ không có thật; gói 30.000 tỷ “chết yểu”, gói 30.000 tỷ đã “ thất bại”...

Và quả bóng trách nhiệm bắt đầu "đá qua đá lại", người dân và doanh nghiệp luôn kêu ngân hàng không chịu mở hầu bao, còn ngân hàng thì thanh minh tiền “luôn sẵn sàng” nhưng cung nhà ở xã hội quá ít. Muốn giải ngân nhanh phải tăng cung nhà bằng cách cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội, TP HCM và các tỉnh khác phải giảm bớt phiền hà, đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp có đất xây nhà hoặc chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Cùng với đó, các ngân hàng cũng phải rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp và người dân vay vốn một cách dễ dàng.  

Trước những bức xúc về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương phải “chốt lại” khúc mắc để báo cáo Chính phủ phương án giải quyết. Thời hạn báo cáo trong 3 tháng tới đây.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ, song nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, gói 30.000 tỷ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã có hiệu ứng lan tỏa nhất định: Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nhà ở xã hội; giá nhà thương mại ở Hà Nội và TP HCM đã giảm dần về gần giá trị thực vì phải cạnh tranh với nhà ở xã hội; thị trường bất động sản ấm dần ở phân khúc giá rẻ và trung bình; tồn kho trong lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng giảm dần, nhiều ngành sản xuất liên quan đã có đầu ra, …

Tuy nhiên, ngoài tiến độ giải ngân chậm, điều mà người dân lo lắng hơn cả là sau khi giải ngân hết gói 30.000 tỷ thì người nghèo, người thu nhập thấp còn lại sẽ hết cửa mua nhà ở xã hội?

Khi xây dựng chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận diện đây là chính sách dài hạn nên phải có thời gian, với sự hỗ trợ dài hạn, không chỉ dừng lại ở gói 30.000 tỷ như ông đã đề xuất. Điều này không phải là lý thuyết, mà là chính sách bắt buộc, được Bộ trưởng đề xuất trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội  trình Chính phủ.

Ngày 20/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 188 “về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”, nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/ 1/ 2014. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội tiếp tục mở ra và cụ thể hóa bằng Điều 12 với quy định: “Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành một lượng vốn  (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) để cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng”.

Khi quy định này được thực thi, với tính toán dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng nếu đạt được con số 200.000 tỷ đồng hoặc nhiều hơn nữa thì sẽ có thêm nhiều gói tín dụng hỗ trợ lãi suất thấp không chỉ là 30.000 tỷ. Cùng với các ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước, cơ hội có nhà sẽ mở ra đối với nhiều người dân nghèo.

Theo vnmedia

Bình luận
vtcnews.vn