• Zalo

Sẽ có quy định về chuyển nhượng địa chỉ IP

Kinh tếThứ Ba, 11/06/2013 12:57:00 +07:00Google News

Công tác quản lý và cấp phát sử dụng IPv4 hiện đã xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh do địa chỉ này đã chính thức cạn kiệt.

Công tác quản lý và cấp phát sử dụng IPv4 hiện đã xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh do địa chỉ này đã chính thức cạn kiệt.

Trong thời gian gần đây, giữa các doanh nghiệp internet ở Việt Nam đã nảy sinh một số vấn đề về kết nối internet và kết nối qua thông trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX). Bên cạnh đó, việc cạn kiệt địa chỉ IPv4 là vấn đề toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự duy trì và phát triển mạng internet trên toàn thế giới. 

Trước những vấn đề này, ngày 7/6/2013, Cục Viễn thông và Trung tâm Internet Việt Nam đã có buổi làm việc báo cáo với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng về những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý, cấp phát sử dụng địa chỉ IPv4; kết nối Internet trong giai đoạn hiện tại. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.  
IPv4
Địa chỉ IPv4 đã chính thức cạn kiệt 
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp internet hiện nay liên quan đến việc bảo đảm dung lượng kết nối và giá cước kết nối và vấn đề hợp đồng giữa các doanh nghiệp như: không có hợp đồng, hết hạn hợp đồng hoặc xảy ra các vấn đề nằm ngoài phạm vi hợp đồng. 
Cho đến thời điểm này, mạng internet đã hoạt động trở lại bình thường, tuy nhiên vẫn có một số vấn đề còn tồn tại giữa các doanh nghiệp này như sau: CMC và Viettel vẫn chưa thỏa thuận được đối với trường hợp lưu lượng chuyển sang nhau không cân bằng; CMC buộc phải chấp nhận điều khoản ký kết hợp đồng với FPT vì không có lựa chọn khác và đề nghị Bộ sớm quy định mức cước kết nối và cách tính toán lưu lượng kết nối; FPT đã ký lại hợp đồng với VNNIC nhưng vẫn liên tục đề nghị điều chỉnh lại bản thỏa thuận kết nối đa phương xây dựng từ năm 2006 cho phù hợp với tình hình mới tại Việt Nam; việc VDC và Viettel ngắt hợp đồng kết nối trực tiếp là không có lợi cho cả hai bên, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ (trước đó, các doanh nghiệp CMC – VIETTEL; CMC – FPT; VIETTEL – VDC đã xảy ra các tranh chấp liên quan đến internet).
Trên cơ sở đó, Cục Viễn thông đã có công văn gửi một số doanh nghiệp internet và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) về việc yêu cầu bảo đảm việc kết nối internet và bổ sung một số quy định về kết nối internet (bao gồm cả kết nối với VNIX) vào dự thảo Thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông công cộng với các nội dung: Quy định về việc bảo đảm dung lượng kết nối internet; quy định về giá cước kết nối internet; quy định về kết nối VNIX, đặc biệt trạm trung chuyển internet quốc gia này được hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận để trung chuyển lưu lượng internet. 
Bên cạnh đó, trạm trung chuyển này luôn có trách nhiệm xây dựng, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về giá thành chi phí kết nối của các doanh nghiệp tới VNIX cũng như việc cho phép hoặc dừng kết nối một doanh nghiệp internet.
Ông Hoàng Minh Cường, Giám đốc VNNIC cho biết, hiện nay sự thiếu hụt địa chỉ IPv4 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet trên thế giới và trong khu vực. Nhận thức được các vấn đề đó, VNNIC đã cảnh báo cộng đồng và các nhà cung cấp dịch vụ trong nước về nguy cơ thiếu hụt địa chỉ, khuyến khích các doanh nghiệp xúc tiến xin cấp phát dự trữ. Vì vậy, cho đến nay, VNNIC đã có 15,5 triệu địa chỉ được xin dự trữ, giúp nâng lượng địa chỉ IPv4 của Việt Nam lên thứ hạng cao trong khu vực và thế giới. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều doanh nghiệp vì các lý do khách quan, chủ quan chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nên chưa tích cực thực hiện việc chuẩn bị này, dẫn đến tình trạng thiếu hụt địa chỉ hiện tại, như trường hợp của VNPT có số lượng địa chỉ IPv4 chiếm tới 49%, trong khi đó CMCTI chỉ có 0,27%.
Liên quan đến những vấn đề về chuyển nhượng địa chỉ, Giám đốc VNNIC kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông điều chỉnh Luật Viễn thông và các văn bản dưới luật theo hướng cho phép hoạt động mua bán, chuyển nhượng địa chỉ IP trong nước và xây dựng chính sách chuyển nhượng địa chỉ toàn diện tương thích với chính sách quốc tế.
Đối với những vấn đề do Cục Viễn thông và VNNIC báo cáo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, thời gian qua, việc kết nối internet ở Việt Nam hoạt động tương đối tốt, đặc biệt là thông qua trạm trung chuyển VNIX. Tuy nhiên, trước những khó khăn về việc kết nối giữa các doanh nghiệp, Cục Viễn thông cần sớm xây dựng các cơ chế chính sách, định hướng đồng bộ để tiếp tục thúc đẩy sự kết nối, hoàn thiện đầy đủ nội dung của Thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông công cộng, đặc biệt là nội dung của giá thành kết nối internet; đồng thời, có quy định cụ thể về hoạt động của VNIX. Với việc cấp phát, chuyển nhượng địa chỉ IP, 
Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng cần xây dựng các văn bản quy định để trình Bộ xem xét, việc cấp phép dựa trên nguồn lực của Việt Nam, có quy định chặt chẽ về cấp phép tài nguyên internet như các tài nguyên khác...
Dự kiến trong tháng 6/2013, Cục Viễn thông sẽ tổ chức hội thảo về kết nối internet có sự tham gia của các doanh nghiệp, các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong việc triển khai nội dung này để tham khảo và lấy ý kiến hoàn thiện các nội dung của dự thảo Thông tư về kết nối internet.
Theo MIC
Bình luận
vtcnews.vn