Theo Nikkei Asian Review, Nhật Bản dự kiến bước đầu sẽ tiếp nhận 3.000 điều dưỡng viên trong vòng 1 năm, với sự hỗ trợ tài chính từ phía Tokyo cho hoạt động đào tạo ngôn ngữ, sau đó mở rộng quy mô thêm 7.000 điều dưỡng viên trong 2 năm tiếp theo.
Bằng việc đặt ra mục tiêu về số lượng điều dưỡng viên, Chính phủ Nhật Bản hy vọng có thể thúc đẩy các công tác chuẩn bị cho việc tiếp nhận số lao động này từ Việt Nam.
Ban đầu, Nhật Bản sẽ tiếp nhận 3.000 lao động thông qua 12 công ty Nhật Bản được chỉ định với tư cách thực tập sinh kỹ thuật.
Theo chương trình mới, Nhật Bản sẽ trợ cấp chi phí đào tạo ngôn ngữ và làm việc với các công ty chuyên huấn luyện cho điều dưỡng viên. Những lao động này sẽ được trả cùng một mức lương với các lao động Nhật Bản.
Ngoài ra, những lao động Việt có thể nói được tiếng Nhật giao tiếp ở mức độ nhất định có thể được cấp quyền cư trú với thời hạn lên tới 5 năm. Chính phủ sẽ xây dựng một chương trình mới cho phép những người đã hoàn thành khóa huấn luyện về kỹ thuật có thể ở lại Nhật Bản thêm 5 năm nữa.
Tuy vậy, số lao động có thể thực sự tận dụng được khóa học kỹ thuật này cho hoạt động điều dưỡng sẽ là rất ít ỏi, do những yêu cầu khắt khe về ngôn ngữ. Thậm chí, những người tham gia chương trình sẽ phải về nước nếu kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật của họ không đạt trình độ nhất định trong năm đầu tiên.
Cũng theo Nikkei Asian Review, Nhật Bản và Việt Nam dự kiến sẽ ký kết một bản hợp đồng ngay trong năm nay. Văn bản này sẽ được coi là một phần của "Sáng kiến sức khỏe con người châu Á," một chương trình của chính phủ Nhật Bản nhằm cung cấp kiến thức và chuyên môn của Nhật Bản về điều dưỡng và phúc lợi xã hội cho các quốc gia khu vực Châu Á.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang dựa vào chương trình huấn luyện kỹ thuật để tiếp nhận lao động nước ngoài, do những giới hạn về ngân sách hạn chế việc tiếp nhận thêm lao động thông qua các thỏa thuận đối tác kinh tế. Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu nhân lực ở quốc gia này.
Video: Công ty xuất khẩu lao động dựng vỏ bọc tinh vi, lừa đảo hàng tỷ đồng
Bình luận