Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chiều 23/9, các chuyên gia đều thống cho rằng, cần phân biệt rõ từng loại sách. Sách giáo khoa là bắt buộc, còn sách bổ trợ, sách tham khảo thì không được bắt học sinh mua. Các ý kiến đều thống nhất phải tách bạch, phân định rõ sách tham khảo và sách giáo khoa.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đối với sách tham khảo, học sinh có thể mua hoặc không mua, Bộ GD&ĐT cần có quan điểm rõ ràng, nếu địa phương nào bắt buộc học sinh mua sách tham khảo thì địa phương ấy phải chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần gọi cho đúng tên gọi sách tham khảo là "sách bổ trợ". Sách bổ trợ có thể cần cho học sinh từ cấp THCS trở lên chứ không cần thiết cho học sinh tiểu học. Vì vậy cần có quy định cấm in sách bổ trợ cho học sinh tiểu học.
“Học sinh Việt Nam đọc ít sách quá, nên phải có sách tham khảo, dù nội dung sách giáo khoa đảm bảo chuyển tải đầy đủ yêu cầu của chương trình rồi, nhưng học sinh phải học thêm. Song tôi xin đề nghị, sách tham khảo với tiểu học là nên cấm”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến học sinh cấp 1 chỉ cần sách giáo khoa, không nên có sách tham khảo. "Nhà trường bắt buộc mua sách tham khảo là không đúng", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm, ở các nước khác có sách tham khảo nhưng để giáo viên giảng dạy cho phong phú chứ không phải dành là học sinh.
Nhiều ý kiến cũng khẳng định, có lợi ích nhóm trong việc phát hành sách bổ trợ, sách tham khảo. Các nhóm lợi ích mà các thành viên Hội đồng chỉ ra đó là Nhà xuất bản, Phòng Giáo dục - Đào tạo các quận, huyện, Hiệu trưởng các nhà trường. Vì vậy Bộ và các địa phương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Một số chuyên gia cho rằng, một nhà xuất bản không nên có quá nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau khiến nguồn lực bị phân tán, chất lượng biên soạn không được bảo đảm.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giám đốc Sở, địa phương phải chịu trách nhiệm vấn đề sách tham khảo, vì đây là quy định đã phân cấp. "Trong hướng dẫn của Bộ không được phép ép học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo, thậm chí cả sách bổ trợ", Bộ trưởng khẳng định.
Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là năm học đầu tiên có sách giáo khoa theo chương trình mới, dù chưa dạy chính thức nhưng qua tập huấn, các giáo viên đánh giá chất lượng tốt hơn trước. Lần đầu tiên chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa để lựa chọn, là động lực thúc đẩy các nhóm biên tập, nhà xuất bản.
Đối với sách tham khảo, ông Nhạ cũng khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ có quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua mà còn phải cấm triệt để mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học, kể cả các hình thức gián tiếp, tự nguyện.
Người đứng đầu Bộ GD&ĐT cũng cam kết sẽ có những giải pháp không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa tại một vài nơi như trong thời gian vừa qua.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ khẩn trương áp dụng công nghệ thông tin cho phép từng học sinh đăng ký mua sách giáo khoa qua mạng. Nơi nào chưa có mạng thì hệ thống bưu điện sẽ thống kê giúp để các nhà xuất bản chuẩn bị, sau đó chuyển trực tiếp đến tận tay học sinh. Bên cạnh đó, hệ thống này sẽ cho phép học sinh đăng ký nhận sách cũ, học lại, để giảm số lượng sách in mới, tiết kiệm chi phí.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, đồng thời khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ.
"Sách tham khảo động chạm đến lợi ích của một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách, động chạm đến lợi ích nhóm của một số cán bộ giáo dục và một số thầy cô giáo có chức, có quyền trong trường. Không được lợi dụng sách tham khảo để làm kinh tế không chính đáng. Nếu sách tham khảo chúng ta quản không chặt, lập lờ thì đi ngược lại mục đích giảm tải, phá vỡ mục đích tốt đẹp của giáo dục", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Bình luận