Tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, với vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, dư luận rất quan tâm. Đây là vụ việc điển hình bất cập tồn tại kéo dài trong công tác cán bộ. Vụ việc này cần phải được xử lý, chấn chỉnh, điều tra xem xét rõ trách nhiệm các tổ chức, các nhân liên quan.
Người phát ngôn của Chính phủ thông tin, từ vụ việc trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo, giao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao trực tiếp cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan kiểm tra kết luận đúng - sai theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác thuyên chuyển, quy trình tiếp nhận, đề bạt bổ nhiệm… ông Trịnh Xuân Thanh; Đồng thời, giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Kiểm tra Trung ương trong việc kiểm tra, kiểm điểm xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và báo cáo Chính phủ trước 30/8/2016.
Cơ quan Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ đang xem xét kiểm điểm với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh và sẽ có thông báo cụ thể sau khi có kết luận.
Trước đó, Năm 2007, ông Trịnh Xuân Thanh làm Tổng Giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây cũng là khoảng thời gian ông Thanh và Ban Thường vụ Đảng uỷ, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty PVC đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.
Ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm ở Tổng công ty PVC. Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đánh giá ông Thanh chưa hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty.
Như vậy, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khóa XI.
Tuy nhiên, ông Thanh vẫn đề nghị để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương. Năm 2013, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó chánh văn phòng Bộ Công thương, Trưởng Đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Năm 2014, ông Thanh tạm thời phụ trách công việc chung của Văn phòng Bộ Công thương.
Video: Mong Thủ tướng tuyên thệ quyết tâm chống tham nhũng
Năm 2015, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Vụ trưởng Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương, Vụ trưởng Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
Tháng 5/2015, ông Thanh được bầu bổ sung làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Đến tháng 6/2016, ông Thanh trúng cử ĐBQH với 75% phiếu bầu.
Trong thời gian này, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngày 15/7, 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhất trí không xác nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh. Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo tiếp tục xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc của ông này.
Bình luận