• Zalo

Sau vụ chuyên gia hạt nhân bị giết, Iran 'đau đầu' ứng phó với Mỹ

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 04/12/2020 18:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vài ngày sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh, các phe phái Iran đang rơi vào tranh cãi về cách đối phó với Mỹ.

Nhóm của Tổng thống Hassan Rouhani có vẻ muốn tìm kiếm sự chứng thực cho những gì họ làm được với phương Tây. Trong những bức ảnh cũ được công bố, Fakhrizadeh nhận được danh hiệu cấp nhà nước từ Rouhani vì đã giúp đảm bảo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đã ký với Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới.

Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, đoạn âm thanh chưa được phát hành trước đó đã được phát với nội dung nhà khoa học nghi ngờ về các cuộc đàm phán với Mỹ. Fakhrizadeh nói: "Không thể thỏa hiệp với nước Mỹ". Bản thu âm dường như được thực hiện vào năm nay.

Sau vụ chuyên gia hạt nhân bị giết, Iran 'đau đầu' ứng phó với Mỹ - 1

Nhà khoa học Fakhrizadeh.

Các thông điệp khác nhau nhấn mạnh rằng cái chết của Fakhrizadeh - trong một cuộc phục kích trắng trợn giữa ban ngày ở phía Đông thủ đô Tehran - đã gây xôn xao đất nước ông. Giới quan sát muốn biết ai là người chịu trách nhiệm về sự mất an ninh liên quan đến vụ giết người và hậu quả của nó. Cấp bách nhất là tranh cãi về cách Iran nên phản ứng - kiềm chế, giận dữ hay ở mức độ khác.

Ali Reza Eshraghi, một học giả thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo và Trung Đông tại Đại học Bắc Carolina, cho biết các tranh luận về Fakhrizadeh đang bị những người bảo thủ và cải cách sử dụng như vũ khí, cho thấy “nền chính trị hiện đang rất gây tranh cãi của Iran”.

Kết quả của các cuộc tranh luận này có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với chính quyền Biden, vốn hy vọng sẽ làm mới các cuộc đàm phán hạt nhân sau bốn năm chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Tổng thống Trump chống lại Tehran.

Quốc hội do phe bảo thủ thống trị của Iran đã phản ứng lại vụ giết người bằng cách thông qua luật hôm thứ Tư nhằm tăng cường làm giàu uranium ngay lập tức, lên mức cao hơn mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân; và đình chỉ các cuộc thanh tra hạt nhân của Liên hợp quốc nếu lệnh trừng phạt ngân hàng và dầu mỏ đối với Iran không được dỡ bỏ vào đầu tháng 2.

Những bước đi này có thể sẽ làm phức tạp thêm tham vọng của Tổng thống đắc cử Biden trong việc tái hợp tác với Iran.

Vẫn chưa rõ liệu ban lãnh đạo Iran có thực hiện kế hoạch vào thời hạn cuối tháng Hai hay không. Mặc dù vậy, Tehran có khả năng sẽ chờ đợi sự nhượng bộ lớn hơn từ phương Tây trong bất kỳ cuộc đàm phán hạt nhân mới nào, sử dụng vụ ám sát Fakhrizadeh làm đòn bẩy, các nhà phân tích cho biết.

Vụ giết người - được cho là do Israel và được người Iran coi là một sự xúc phạm quốc gia trắng trợn - cũng có thể gây ra hậu quả cho công chúng sau khi họ đã trải qua một năm khó khăn, với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất ở Trung Đông và cuộc khủng hoảng kinh tế giữa bối cảnh trừng phạt của phương Tây.

Fakhrizadeh là nhân vật chủ chốt trong chương trình vũ khí hạt nhân của Iran và cũng là một trong những quan chức được bảo vệ tốt nhất. Vụ phục kích được cho là nằm trong loạt các sự kiện nghiêm trọng liên quan đến cơ quan an ninh và tình báo của Iran, bao gồm cả Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Trước đó, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad đã giết chết chỉ huy hàng đầu của IRGC, Thiếu tướng Qasem Soleimani, và vài ngày sau, lực lượng an ninh Iran bắn nhầm một máy bay chở khách của Ukraine, giết chết tất cả 176 người trên máy bay. Vào tháng 7, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở hạt nhân mà chính quyền Iran cho là vụ “phá hoại”. Sau đó vào tháng 8, các đặc vụ Israel ám sát một quan chức cấp cao của al-Qaeda ở Tehran.

Sau cái chết của Fakhrizadeh, các quan chức Iran đã tìm cách thoái thác trách nhiệm về những thất bại an ninh. Ellie Geranmayeh, Phó giám đốc phụ trách các chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Iran cho biết: “Có một loại trò chơi đổ lỗi đang diễn ra giữa tình báo chính phủ và tình báo IRGC”.

Khi tin tức về vụ phục kích lan rộng, các phương tiện truyền thông Iran, dựa trên các nhân chứng, đưa tin rằng có thể có tới 12 thủ phạm đã tham gia và sau đó đã trốn thoát. Tuy nhiên, cuộc tấn công sau đó được cho là “một vụ ám sát rất phức tạp được thực hiện từ xa bằng các thiết bị điện tử”.

Vụ giết người đã “làm tăng sức nóng từ sự bảo thủ” của hệ thống chính trị Iran đối với Rouhani, người đại diện cho phe cởi mở từ với các cuộc đàm phán hạt nhân. Theo Narges Bajoghli, một chuyên gia về Iran tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Hiện có rất nhiều phản ứng dữ dội ở Iran về nhu cầu trả đũa, sự cần thiết phải tăng cường chương trình năng lượng hạt nhân".

Cuộc bỏ phiếu của quốc hội Iran nhằm tăng cường làm giàu hạt nhân và đình chỉ các cuộc thanh tra của Liên Hợp Quốc là phát súng rõ ràng nhất mà phe bảo thủ đã nổ ra.

Afshon Ostovar, phó giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường Sau Đại học Hải quân Mỹ, cho biết vụ ám sát Fakhrizadeh hiện có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách giữa Iran và Mỹ.

Ngày càng có sự đồng thuận ở Mỹ rằng các vấn đề khác ngoài chương trình hạt nhân của Iran - chẳng hạn như phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ cho các lực lượng dân quân ủy nhiệm ở những nơi khác trong khu vực - có thể cần bổ sung vào bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai. Ở phía bên kia, Iran tin rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng "cần phải giảm đi các yêu cầu và đi kèm với nhiều động thái hơn thỏa thuận đầu tiên", ông nói.

Ngoài ra, với việc Iran dự kiến ​​tổ chức bầu cử tổng thống vào mùa xuân này, một số nhà phân tích dự đoán rằng các phe phái cứng rắn có thể chiếm ưu thế và củng cố quyền lực của họ, làm phức tạp thêm hy vọng của ông Biden trong việc hồi sinh ngoại giao với Tehran, theo các chuyên gia.

Một điểm khác đáng chú ý là khả năng chính quyền Trump hoặc các đồng minh như Israel có thể thực hiện một cuộc tấn công khác trong những tuần tới, trong khi chờ đợi động thái ngoại giao mới của nhóm Biden. Tuy nhiên điều này là không chắc chắn, theo các nhà phân tích.

Phương Anh(Nguồn: The Wall Street Journal)
Bình luận
vtcnews.vn