Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ như trên tại Hội nghị triển khai chỉ thị về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng ở TP.HCM.
Ông Tuấn cho hay bên cạnh việc chủ đầu tư, ban quản lý thờ ơ với việc PCCC, chính người dân cũng chưa có ý thức cao trong việc chấp hành các điều kiện an toàn PCCC.
Nhiều hộ gia đình do nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh đã tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, bố trí bãi xe cản trở giao thông phục vụ chữa cháy, làm mất tác dụng của cửa đi vào buồng thang bộ, câu mắc, đấu nối thêm các thiết bị điện không đảm bảo theo quy định.
Tình trạng không có thiết bị, phương tiện PCCC vẫn tồn tại do bị mất cắp hoặc để tránh mất cắp, lực lượng bảo vệ chung cư đã cất hết phương tiện vào kho.
Tại một số chung cư, ban quản trị và lực lượng PCCC chưa được tập huấn về nghiệp vụ PCCC, chưa lập phương án chữa cháy, cứu hộ theo thông tư số 66/2014/TT-BCA của Chính phủ.
Một số chung cư tái định cư lực lượng PCCC là những cư dân sống trong chung cư, đa số là người lớn tuổi, người lao động nên không được tập huấn nghiệp vụ PCCC, khả năng xử lý tình huống kém, lúng túng trong triển khai phương tiện PCCC khi có cháy xảy ra.
Ông Tuấn cho biết thêm, sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina (phường 16, quận 8), các chung cư và chủ đầu tư bắt đầu có động thái quan tâm nhiều tới hoạt động PCCC. Nhiều tòa nhà tổ chức diễn tập, phổ biến kỹ năng cứu hộ, cứu nạn tới người dân. Chủ đầu tư, ban quản lý kiểm tra lại các dụng cụ PCCC, mua mới, sửa chữa.
"Chính người dân cũng chủ động quan tâm tới việc phòng tránh cháy nổ hơn. Bằng chứng là tham gia nhiệt tình vào các buổi diễn tập, chủ động tới lớp học PCCC, chứ không nhờ người giúp việc tới qua loa, điểm mặt nữa. Đây là tín hiệu đáng mừng", đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay.
Bình luận