Ít nhất 6 vận động viên Việt Nam bị nghi dương tính với doping ở SEA Games 31 (xét nghiệm mẫu thử A cho kết quả bất lợi). Theo tìm hiểu của VTC News, loại chất cấm được phát hiện trong những mẫu thử kể trên là furosemide... Các chất này thường có trong thuốc lợi tiểu mà vận động viên sử dụng để hỗ trợ giảm cân liên tục.
Một thành viên Trung tâm Doping và Y học Thể thao Quốc gia (VADA), thuộc Tổng cục Thể dục thể thao, cho hay, sau khi có kết quả xét nghiệm 2 mẫu thử (A và B), các VĐV dương tính với doping phải giải trình với hội đồng đánh giá của Trung tâm Doping và Y học Thể thao Quốc gia và Cơ quan chống doping thế giới về mức độ vi phạm.
Hội đồng này sẽ cân nhắc chứng cứ, thông tin liên quan, biên bản giải trình của VĐV, đơn vị quản lý VĐV, liên đoàn thể thao quốc gia quản lý VĐV. Sau đó, hội đống sẽ xác định hành vi vi phạm doping, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và đề xuất hình thức xử lý vi phạm.
Ngoài những trường hợp cố tình sử dụng doping để tăng hiệu suất vận động khi thi đấu, nhiều trường hợp vận động viên có chất cấm trong cơ thể do sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng mà không tham khảo kỹ thành phần. Ví dụ, codein có trong một số loại thuốc giảm đau, thuốc ho phổ biến, cũng nằm trong danh mục cấm của Tổ chức chống doping thế giới (WADA).
"Trong danh mục chất cấm của WADA có những chất như glucocorticoid thường nằm trong các loại thuốc có công dụng chính là giảm phù nề, chống viêm, được sử dụng bình thường khi điều trị bệnh lý viêm nhiễm", thành viên của Trung tâm Doping và Y học Thể thao nói trên nêu ví dụ.
Ngoài ra, thực phẩm chứa chất tạo nạc cũng có thể là nguyên nhân, dù trường hợp này hiếm khi xảy ra. Do nhận thức về vấn đề doping của một số VĐV, huấn luyện viên, việc kiểm soát chưa được chặt chẽ dẫn tới những trường hợp vi phạm quy định về chất cấm. Tuy nhiên, dù cố ý hay vô tình, các VĐV đều bị coi là vi phạm và phải chịu trách nhiệm.
"Kết quả dương tính với doping có nghĩa là VĐV có chất cấm trong cơ thể của mình. Đối với vấn đề kiểm soát doping, cần nhấn mạnh rằng các VĐV phải chịu trách nhiệm với tất cả chất có trong cơ thể mình", thành viên của VADA nói với VTC News và cho biết thêm, phần lớn chất cấm bây giờ đều xuất phát từ thuốc điều trị là chính. Trong đó, nhiều dạng chất cấm, ví dụ một số dạng chất pháp luật cấm như chất gây nguyện, ma tuý… Để bảo vệ sức khoẻ, VĐV có quyền xin miễn trừ khi có bác sĩ kê thuốc, điều trị.
Việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng tuỳ tiện cũng là một phần nguyên nhân, nhưng không phải tất cả. Có những loại thực phẩm chức năng sử dụng cho người bình thường thì không cấm nhưng đối với thể thao lại không được phép.
SEA Games 31 diễn ra tháng 5/2022. Đoàn thể thao Việt Nam có 965 vận động viên, giành 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng. Nếu 6 VĐV kể trên bị kết luận sử dụng chất cấm, đoàn Việt Nam có thể bị tước một số huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc ở môn điền kinh.
Sau khi mẫu thử A có kết quả xét nghiệm doping bất lợi, các VĐV có quyền yêu cầu xét nghiệm thêm mẫu B nhằm tránh kết quả dương tính giả có thể xuất hiện khi xét nghiệm mẫu A. Chỉ khi mẫu B cũng cho kết quả dương tính, các VĐV mới bị xác định là vi phạm quy định về phòng, chống doping. Kết luận này do Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đưa ra.
Bình luận