Video: Người dân kể lại giây phút sạt lở cuốn trôi hàng chục ngôi nhà ở Nha Trang
Ngày 19/11, TP Nha Trang (Khánh Hòa) nắng lên rất nhanh, nhưng không khí u buồn vẫn bao trùm lên thôn Thành Phú, xã Phước Đồng - nơi thiệt hại nặng nhất trong vụ sạt lở với 7 người thiệt mạng.
Sau một ngày mưa như trút nước, ngôi làng dưới chân núi tan hoang, hàng chục ngôi nhà biến thành đống gạch, đá vỡ vụn. Người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Bà Lê Thị Hiểu (42 tuổi) ánh mắt bần thần bước ra từ nhà văn hóa thôn, cách khu sạt lở vài trăm mét, với chiếc khăn tang vấn trên đầu. Chỉ sau một đêm, mẹ bà mất, còn cha mất tích, hai con nhỏ bị thương vẫn còn nằm viện.
Bà Hiểu kể, vợ chồng có hai con 13, 14 tuổi. Do điều kiện công việc, vợ chồng ở riêng, để lại con cho ông bà ngoại chăm sóc, mỗi cuối tuần cả hai lại ghé về thăm con. Nhưng trận lở núi sáng 18/11 đã cướp đi thói quen của bà vĩnh viễn.
"Sáng qua tôi nghe tin nhà cha mẹ đổ sập liền chạy tức tốc chạy xe máy đến, tơi nơi thì chỉ có hai đứa nhỏ được cứu sống với thương tích khắp người", bà nấc lên khi nhớ lại giây phút định mệnh.
Đưa hai đứa nhỏ đến bệnh viện, bà Hiểu lại chạy về nhà. Vài giờ sau, thi thể mẹ bà được tìm thấy dưới lớp đất đá, người cha đến nay vẫn còn mất tích. "Suốt đêm qua con gái tôi không ngủ được, hai mắt sưng tấy, cháu cứ huyên thuyên: Con không về nữa, nước ngập tới miệng, con sợ lắm", bà phải nghỉ làm, đến viện để trấn an an con.
Sáng qua, bà Hiểu đến nhà văn hóa thôn để tang lễ cho mẹ. "Chưa bao giờ tôi nghĩ đến tình cảnh này, tôi phải nói dối các cháu là ông bà chỉ bị thương, đang nằm viện khoa khác", giọng bà nghèn nghẹn.
Nhà văn hóa thành nơi "tị nạn"
Thôn Thành Phú, xã Phước Đồng có nhiều ngôi nhà dựng dưới chân núi với độ nghiêng lớn, nền móng yếu. Chỉ vài giờ sau trận mưa tầm tã, đất đá kéo xuống giật sập hàng loạt nhà. Nhà văn hóa thôn bất đắc dĩ trở thành nơi tổ chức tang lễ và tá túc của hàng chục con người màn trời chiếu đất.
Khi cơn mưa sáng hai hôm trước vừa ập đến với lượng mưa "chưa từng thấy", chị Phạm Thị Ngọc Hà (38 tuổi) lo lở núi nên đã bế con đến nhà văn hóa. Mưa ngớt, chồng chị về lại thì thấy ngôi nhà chỉ còn đống gạch vụn. "Xót cái nhà hai vợ chồng dành dụm xây, tôi định về xem thế nào mà đứa con út 4 tuổi cứ sốt li bì, khóc miết", chị rấm rứt.
Sau một đêm mất ngủ, người mẹ trông xanh xao, bơ phờ. Chị dựng chiếc ghế ở góc phòng, vun từng thìa cháo cho cậu trai út. Lâu lâu, chị lại quay qua giỗ hai đứa ngồi cạnh bên. "Chúng cứ đòi về nhà, tôi dỗ mãi nhưng chẳng được, biết nhà đâu mà về", chị Hà não ruột. Nhìn vào bao mì gói bên cạnh, chị bảo hai hôm nay vợ chồng chỉ ăn mì mà nuốt cũng chẳng trôi.
Đầu giờ chiều qua, các con đã ngủ, chị nhờ hàng xóm thân quen trông hộ, rồi lội qua con đường dốc, đá ngổn ngang để về nhà. Rồi chị suy sụp, khi thấy bức tường bêtông căn nhà cấp 4 của mình bị xé toạc, vùi lấp trong đá. Xót của, chị quờ quạng trong đống đất đá cố tìm đồ đạc gì còn sót lại trong vô thức. Rồi chẳng tìm thấy gì. Người chồng ôn tồn vỗ vai vợ rồi đưa chị về lại nhà văn hóa trong bước chân nặng trĩu.
Trong khuôn viên nhà văn hóa chừng 200 m2, nhiều hộ cùng sinh hoạt trong cảnh chật hẹp. Người lớn xếp những chiếc bàn, áp chúng vào nhau ngay ngắn để thành giường cho lũ trẻ nằm. Những người phụ nữ vừa dỗ con nít, vừa tỉ tê chia sẻ chuyện buồn. Những người đàn ông rủ nhau ghé về xóm cũ xem đống tàn tích của trận lở núi, tìm những thứ có thể tận dụng được trong cảnh không nhà. Thi thoảng, một vài đoàn khách đến thăm tặng ít mì, bánh. Những người dân thôn Thành Phú, không biết nên vui hay buồn khi nhận quà cứu trợ.
Người dân tính thuê trọ để qua cảnh tạm bợ
Cảnh ngột ngạt chen chúc ở nhà văn hóa khiến các gia đình có con nhỏ phải tính đến chuyện thuê nhà trọ. Chị Mai Thị Hạnh nhăn nhó khi con cứ quấy khóc liên tục, bảo rằng hai vợ chồng mới về nhà cũ tìm được ít tài sản. "Chúng tôi mang ra bờ suối rửa rồi đưa đi gửi. Ở tạm nhà văn hóa ít hôm rồi phải đi thuê trọ thôi, không thể ở như thế này mãi", chị chia sẻ.
Ngồi thẫn thờ, ông Lý Trực Liên (48 tuổi) bảo sống hàng chục năm nhưng lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng hàng loạt nhà cửa sập xuống và nhiều người chết như thế. Hơn 7h hôm đó, gió rít dữ dội trên mái tôn. Thấp thỏm không yên, ông đứng phía nhìn ra khe cửa, trời tối om, sấm chớp dữ dội. Bất ngờ phía sau nhà nhiều tiếng động "rầm", rồi đổ sập, may mắn ông thoát ra được.
Ở một mình, cuộc sống khó khăn, chiếc xe máy với ông là cả gia sản. Từ hôm qua giờ, ông không rơi khỏi ngôi nhà của mình, mà liên tục đào bới, tìm chiếc xe máy, khi trời nhập nhoạng tối thì về nhà văn hóa ngủ tạm. "Một ít tiền để dành giờ nằm dưới đất đá, giờ ai cho gì ăn đấy để qua ngày", ông nói.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu UBND TP Nha Trang phải tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm số nạn nhân vẫn đang mất tích. Các đơn vị y tế cần tập trung cứu chữa, chăm sóc người bị thương. Bên cạnh đó, địa phương phải khẩn trương bố trí nơi ở cho các hộ có nhà bị sập, bị thiệt hại; hỗ trợ nhu yếu phẩm, đảm bảo không để một người dân nào thiếu đói.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sáng 18/11, TP Nha Trang có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ, một số tuyến giao thông tê liệt. Tại các khu dân cư ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hòa, mưa lớn kéo theo sạt lở núi khiến đất đá đổ xuống, vùi lấp hàng chục nhà dân khiến nhiều người chết và mất tích.
Đến tối 19/11, lực lượng cứu hộ đã tìm thêm một nạn nhân nữ tại xã Phước Đồng, nâng tổng số người chết trong vụ sạt lở ở Nha Trang lên 14. Hiện vẫn còn 3 người khác mất tích.
Bình luận