• Zalo

Sau Tết: Giá vé tăng, đường tắc, hành khách bị hành xác

Thời sựThứ Bảy, 28/01/2012 05:05:00 +07:00Google News

(VTC News) - Lượng người và xe ùn ùn đổ về Hà Nội, TP. HCM ngày 28/1 qúa đông khiến các cửa ngõ, bến tàu, bến xe của 2 thành phố này đều tắc nghẽn.

(VTC News) - Lượng người và xe ùn ùn đổ về Hà Nội, TP. HCM ngày 28/1 quá đông khiến các cửa ngõ, bến tàu, bến xe của 2 thành phố này đều tắc nghẽn. Nhiều hành khách đã kiệt sức khi xe về đến bến.

Hà Nội: Hành khách phờ phạc vì bị nhồi

Trưa 28/1/2012 (tức mùng 6 Tết), tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), xe khách từ các tỉnh nườm nượp đổ vào bến.

Tại khu vực trước đường vào bến xe và đoạn đường Giải Phóng (trước cổng bến xe), từng đoàn xe khách nối đuôi nhau xếp hàng, đợi vào bến. Nhiều xe không đủ kiên nhẫn, muốn quay vòng đã bỏ khách ngay trên đường, rồi quay xe về chạy thêm chuyến khác.

Trong bến xe, khu vực trả khách chật kín người và xe. Xe vào trước, xe vào sau không có chỗ, ùn ứ thành dãy dài. Trong khu vực bến, khách ngồi la liệt, nhiều người mệt mỏi nghỉ ngay tại bến.

Dòng người nườm nượp về Thủ đô

Tại khu vực xe buýt, hành khách đứng đợi xe, xếp hàng thành dãy dài. Mỗi khi có xe đến, hành khách trên xe chưa kịp xuống, người ở dưới đã đùn đẩy để lên. Xe xuất bến chật kín khách.

Hành khách xếp hàng đợi xe buýt trong giá lạnh, mưa dầm.

Đông đúc, chật chội là vậy nhưng lợi dụng nhu cầu đi lại của dân tăng cao, các nhà xe thi nhau nhồi nhét khách, tăng giá bất hợp lý.

“Sau mấy ngày Tết mệt mỏi, tôi bắt xe giường nằm để hy vọng được nghỉ ngơi. Nào ngờ khi lên xe, xe giường nằm đã biến thành xe giường ngồi. Nhưng vẫn phải chấp nhận, bắt được xe vẫn còn may, nhiều xe khi vẫy, còn không dừng lại cho lên. Có xe để đi là may lắm rồi”, anh Lê Văn Hùng (quê Nghệ An) ngồi nghỉ ở bến xe cho biết.

Chị Phạm Thị Hằng vừa bước từ chuyến xe Thanh Hóa - Hà Nội tâm sự, không chỉ bị nhồi nhét, xe 45 chỗ mà chở tới hơn 70 người, ngày thường giá vé xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội chỉ có 80.000 đồng, giờ đã lên tới 150.000 đồng nhưng khách vẫn phải chấp nhận, vì xe nào cũng thế, không đi không được.

Tại các bến xe khách của Hà Nội như bến Mỹ Đình, Long Biên, Nước Ngầm… cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Các xe thi nhau nhồi nhét, chặt chém khách. 

 

Tại các cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, lượng người đổ về đông đã làm nhiều tuyến đường tắc nghẽn. Ngay tại đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, hôm nay, phương tiện chỉ có thể lưu thông với tốc độ 50 – 60 km/h. Còn khi vào đường Giải Phóng thì đường đã tắc nghẽn, dòng phương tiện phải nhích lên từng chút một.

Tại các cửa ngõ khác như đường Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… tình trạng đông đúc, tắc nghẽn cũng lặp lại tương tự.

Đường Giải Phóng - đoạn trước cổng bến xe Nước Ngầm tắc nghẽn nghiêm trọng trưa 28/1. 


Trước đó, ngày 26/1/201, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ra Công điện số 03/CĐ-UB, chỉ đạo Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những ngày nghỉ Tết còn lại, góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

Công điện lưu ý, các cơ quan tập trung thực thi nhiệm vụ tại các điểm lễ hội, khu vui chơi giải trí, các tuyến đường có mật độ giao thông cao. Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đỗ, dừng xe sai quy định, đi quá tốc độ, đi sai làn đường, không chấp hành đội mũ bảo hiểm. Công điện nêu rõ, phải tập trung xử lý các đối tượng sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn cho phép và các đối tượng chống người thi hành công vụ, kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè…

Riêng Sở Giao thông vận tải Hà Nội có nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo kịp thời sửa chữa các hư hỏng cầu, đường, duy trì cầu đường bảo đảm thường xuyên, an toàn…

TP. HCM: Ùn ứ kéo dài

Ghi nhận của PV VTC News tại TP. HCM vào chiều ngày 28/1 tại khu vực xa lộ Hà Nội (đoạn ngay trước cổng khu du lịch Suối Tiên), kể từ 16h30 thì tình trạng giao thông đã bị ùn tắc cục bộ, cao điểm nhất là khoảng gần 17h30 thì các xe du lịch chở khách, ô tô và cả xe máy nhích từng bước một.

Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các xe đi qua khu vực này để vào TP.HCM đều có các biển số đến từ các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên hay Nam Trung Bộ như Nha Trang, Đà Lạt, Đồng Nai, Bình Dương, Ban Mê Thuột…

Trung tá Phạm Văn Tuyến – Đội phó Đội CSGT Rạch Chiếc (đơn vị phụ trách địa bàn) đã cho biết: Nhờ nắm bắt kịp thời thông tin ùn tắc có thể xảy ra giai đoạn sau tết, Đội CSGT Rạch Chiếc đã chủ động lên kể hoạch phân công cán bộ chiến sĩ điều tiết giao thông kịp thời vào những khung giờ “nóng”.

Tại QL1A, xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B, Đội Rạch Chiếc đã điều động 24 chiến sĩ CSGT ra mặt đường, cùng phối hợp với tổ thanh tra GTVT số 5 tuần tra, kiểm soát và điều phối giao thông để tránh việc ùn tắc nghiêm trọng có thể xảy ra.

Cũng theo Trung tá Tuyến, để tránh trường hợp này, Đội Rạch Chiếc đã yêu cầu toàn bộ các xe buýt muốn dừng, trả khách đối diện cổng Suối Tiên phải dừng xe nhích lên phía trên, để tránh điểm “nóng” ngay đối diện Suối Tiên.

Còn tại bến xe Miền Đông, Phó GĐ đơn vị này – ông Thượng Thanh Hải cho biết, qua sơ bộ ngày cao điểm đầu tiên khách trở lại TP.HCM sau tết, có thể thấy tình hình giao thông qua khu vực này vẫn thoải mái, chưa có hiện tượng ùn tắc giao thông hay thiếu xe cho người dân trở lại TP.

Ngày cao điểm xe đổ về bến xe Miền Đông sẽ là ngày mai (29/1, tức mùng 7 tết Nhâm Thìn). Lượng xe về chủ yếu vào sáng sớm và buổi trưa. Buổi chiều và tối khá thưa thớt xe. Các xe chủ yếu từ TP Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắc…chở khách trở lại TP.

Hành khách trở lại TP.HCM dịp sau tết tại bến xe Miền Đông. 

Dự kiến, ngày cao điểm nhất bến xe đón khách sẽ là ngày mai, với lượng khách qua bến có thể đạt cao nhất từ 50.000 – 55.000 hành khách/ngày. Tuy lượng khách đông như bến xe đã phân công 100% quân số bảo vệ trực, cùng với sự trợ giúp của lực lượng CSHS quận Bình Thạnh và TP.HCM, nên tình hình an ninh trật tự bên trong và ngoài bến xe luôn đảm bảo tốt. Các xe đưa đón, trả khách đúng nơi qui định.

Vì lượng khách quá đông, số xe có giới hạn nhất định, nên VTC News ghi nhận có không ít lời phàn nàn xe bị nhồi nhét “thượng đế”, nhất là đối với các tuyến xe đến từ các tỉnh, TP thuộc khu vực Miền Trung. Một hành khách nhà ở quận Tân Bình – TP.HCM thông tin: Anh đi chuyến xe từ Đà Nẵng vào TP.HCM xe chỉ giới hạn 45 hành khách, nhưng chủ xe đã nhét tới 54 hành khách.

“Rất may, cuối cùng cũng đã về tới nay…” – Hành khách này thở hổn hển nói.

Trong khi đó, tại ga Sài Gòn, ngày mùng 6 tết, đại diện lãnh đạo ga cho biết, ngành đường sắt VN đã tổ chức tăng cường hàng chục chuyến tàu đi khu vực miền Bắc, Trung. Các chuyến tàu đến ga Sài Gòn liên tục từ 3h sáng đến 24h đêm.

Còn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà ga quốc nội và quốc tế đến, bảng điện tử liên tục hiện các chuyến bay đến từ các địa phương. Trung bình cứ 10 phút lại có 1 chuyến bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất,

Các hãng hàng không đang khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất đều khẳng định rằng: Các nhà vận chuyển này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trở lại thành phố của hành khách sau dịp tết bằng cách tăng gấp đôi các chuyến bay so với ngày thường.

Nghệ An: Cháy vé xe, khách bị thả dọc đường

Theo ghi nhận của PV VTC News, trong ngày hôm nay (mùng 6 Tết), rất đông người dân tập trung ở dọc các tuyến QL1A, đường 15, đường 7... để bắt xe khách ra bắc vào Nam. Trong đó, đông nhất vẫn là lượng người bắt xe vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM...
 
Tình trạng nhà xe đón thả khách dọc đường tiếp tục tái diễn. Riêng tại khu vực ngã ba Diễn Châu, hàng khách đứng dọc tuyến dài để bắt xe. Ở hai bên tuyến đường hàng quán mọc lên san sát.
 
Tại thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) xảy ra tình trạng "cháy vé xe" ra Hà Nội. Đại diện chủ nhà xe Hoa Mai cho biết, do lượng khách quá đông nên nhà xe không thể bố trí vé ngồi ưu tiên thứ tự như ngày thường mà đành xếp khách theo kiểu... ai tới trước thì ngồi trước! 
 
Một số nhà xe chạy tuyến Hà Nội ở khu vực lân cận như Giang Sơn, Đô Lương cũng đã chủ động điều xe lên khu vực thị trấn Tân Kỳ để đón chở khách. Giá vé xe chạy tuyến Hà Nội tăng gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường.

Quảng Nam: Nhà xe chặt chém hành khách “Nam tiến”

Sáng mùng 6 Tết, nút giao thông đường Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) trở thành bến xe “cóc” khá phức tạp, thậm chí xuất hiện tình trạng “cò” chèo kéo khách cho nhà xe.

Không chỉ vậy, lợi dụng cơ hội người dân đón xe vào lại phía Nam làm việc, học tập, nhà xe đã tha hồ hét giá lên trời, dẫn đến tình trạng tranh giành, nhồi nhét khách vô tội vạ.

Ghi nhận của PV VTC News, tại nút giao thông này, mặc dù đèn xanh đang bật, xe cộ đang lưu thông và cấm xe dừng đỗ nhưng các lơ xe của xe khách liên tỉnh nhảy xuống, trèo lên, chào mời bạt mạng.

Giá vé xe khách ở các bến xe “cóc” này "đội giá" đến 30% so với năm ngoái.

Một phụ nữ đang ngồi bệt xuống vỉa hè, khư khư giữ vali đồ đạc, quần áo để đón xe, ngớ người khi một “cò” chạy tới làm mồi: “Mùng 6 Tết ở Quảng Nam đi Sài Gòn giá 750.000 đồng/1 khách, không bao ăn là “rẻ” đó chị ơi! Nhanh lên xe đi chứ ngày mai là không có xe đi đâu!”.

Đứng cạnh, cũng đang đón xe vào Nam, vợ chồng người đàn ông cùng đứa con gái nhỏ nhăn mặt nói: “Đắt kinh rứa, đắt vậy, cả gia đình tôi phải tốn mấy triệu vào lại Sài Gòn, chưa kể tiền ăn uống nhọc đường. Giá xe đắt kiểu ni chắc sang năm không dám về quê ăn Tết quá !”.

  Người dân tập trung tại các nút giao thông trên QL1A để đón xe đã  khiến tình trạng xe dù, bến cóc diễn biến phức tạp 

Tại bến xe “cóc” ngã ba đường Tam Xuân 1-Tam Kỳ (Quảng Nam), một xe khách biển số 92K, loại 30 chỗ chuyên chở khách chạy tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng, tranh thủ mấy ngày sau Tết “mở” tuyến Tam Kỳ - TP.HCM cũng hét giá 750.000 đồng/1 khách ghế mềm phía trước xe, không bao ăn, còn giá ghế phía sau là 650.000 đồng/1 khách, không bao ăn. Vé xe một người và một xe máy là 1.500.000 đồng...  

Ngoài việc “chặt chém” hành khách, các nhà xe này còn quay đầu xe chạy lòng vòng để nhồi nhét khách.

Cùng ngày, đi dọc trên quốc lộ 1A, tại bến xe “cóc” khu vực các ngã ba, ngã tư Vĩnh Điện, Hương An, Cây Cốc, đường tránh Tam Xuân 1-Tam Kỳ (Quảng Nam), lượng hành khách chờ đón xe đi các tỉnh phía Nam đông nghịt. Nhiều người do tin tưởng “cò” đã phải khóc dở chết dở vì bị “cò” xe, nhà xe “chặt đẹp” hay bị nhồi nhét.

Bến xe “cóc” ngã tư đường Nguyễn Hoàng – Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ vốn đã  phức tạp, nay lại xuất hiện “cò” xe tham gia "chặt chém" hành khách .

Trước đó, bến xe trung tâm tỉnh Quảng Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trước và sau Tết, Sở GT-VT tỉnh đã huy động tăng cường thêm rất nhiều xe để phục vụ người dân mua vé xe vào Nam.
 

Lê Việt-Bửu Lân-Thùy Dương-Phong Vân- Việt Dũng


Bình luận
vtcnews.vn