Chị Thu Thủy (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ, hơn ba tháng dịch COVID-19 bùng phát, tuy có nhiều đảo lộn trong sinh hoạt và công việc, song gia đình chị lại giảm được hẳn khoản chi tiêu. Do ở nhà nhiều, không ra ngoài để tụ tập, ăn hàng, mua sắm, cũng không đi chơi xa, bọn trẻ lại tạm dừng mọi việc học chính khóa hay học thêm nên mỗi tháng, chị tiết kiệm được tầm 15 triệu đồng. Chỉ ba tháng, chị Thủy tiết kiệm được 50 triệu đồng.
"Tôi sẽ không tiêu vào khoản tiền này, cũng không mua vàng vì giá vẫn biến động do thế giới còn đối diện đại dịch mà sẽ gửi tiết kiệm. Tôi muốn hỏi, hiện lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng thế nào? Gửi bằng hình thức nào sẽ có lợi hơn?", chị Thủy nói.
Theo biểu lãi suất của hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước tháng 5, có thể nhận thấy trong một tháng trở lại đây nhiều ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động với xu hướng chung là giảm. mặt bằng lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến một năm giảm khoảng 0,3-1%, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng khoảng 2-3%.
Mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn một năm hiện là 8,4%/năm với số tiền dưới 1 tỷ đồng và gửi online có lợi hơn tại quầy. Vì vậy, khách hàng gửi online có thể nhận được nhiều lợi nhất từ phía ngân hàng.
Tuy nhiên gửi tiết kiệm không chỉ nên nhìn vào lãi suất ngân hàng bởi với quy luật lãi suất và rủi ro luôn tỷ lệ thuận, khách hàng nên quan tâm hơn cả đến uy tín và chất lượng dịch vụ của ngân hàng khi gửi tiền.
Một lời khuyên được nhiều người đưa ra là, khách hàng có thể nhìn vào quy trình làm việc của nhà băng để đưa ra đánh giá. Gửi tiền tại một nhà băng có quy trình làm việc rành mạch, cẩn thận sẽ giúp người dân an tâm về các vấn đề bảo mật thông tin, an toàn đối với khoản tiền gửi.
Nếu ngân hàng quản lý lỏng lẻo dẫn nhiều quy trình thực tế được nhân viên lược giản. Điều này có thể tiện lợi cho khách hàng trong một vài trường hợp, nhưng đó cũng là lỗ hổng dẫn đến những rủi ro về an toàn tiền gửi của khách. Đó là một trong những yếu tố mà khách hàng nên cân nhắc.
Bình luận